Đổi thay ở Lùng Tám hôm nay

Lùng Tám là xã biên giới thuộc diện nghèo nhất huyện Quản Bạ (Hà Giang) với 6 dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Giáy...sinh sống trên những triền núi cao, giao thông chủ yếu là đường mòn. Ngô là cây trồng chủ lực nhưng năng suất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết khiến đời sống của đồng bào vô cùng khó khăn. Nhờ sự đầu tư của Chương trình 135, Lùng Tám đang đổi thay từng ngày

Nói về cuộc sống của người dân Lùng Tám trước đây, ông Hạng Dương Thành, Chủ tịch UBND xã tâm sự: "Khó có thể tưởng tượng được, đến cơm ăn hàng ngày còn thiếu, bà con ăn bằng mèn mén (thứ bánh làm bằng bột ngô) và canh suông. Giao thông không thuận lợi nên mặc dù chăn nuôi được bò, lợn, bà con cũng không dắt xuống núi để bán được".

Mấy năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Chương trình 135, Lùng Tám đã giải quyết khá nhiều khó khăn như: Mở 16km đường liên thôn, điện được kéo về từng nhà, xây dựng trường tiểu học 2 tầng, trạm y tế với nhiều trang thiết bị hiện đại, hoàn thiện một nhánh kênh thủy lợi... nhờ vậy, hệ thống hạ tầng từng bước được hoàn thiện. Nhờ sự hỗ trợ phát triển sản xuất, bà con đã chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giúp nhau làm kinh tế. Cụ thể là, bà con đã tự đăng ký mua các loại giống cây - con mới có giá trị kinh tế cao và đưa vào sản xuất. Đến nay, bà con đã mua 1.110kg giống ngô lai, 1000kg giống lúa lai, 36 tấn phân bón các loại. Diện tích gieo trồng ngô lai, ngô mùa đạt 100% kế hoạch; rau đậu các loại 3ha. Tổng đàn gia súc đạt 2.643 con, gia cầm 6.300 con.

Về văn hóa, xã hội, năm học 2008 - 2009, toàn xã có 1.115 học sinh của 3 bậc học (mầm non, tiểu học và THCS), đạt trên 94% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến đến trường.

Tiếp tục được thụ hưởng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 giai đoạn II, Lùng Tám đang triển khai xây dựng 2 nhà văn hóa cộng đồng, một sân chơi phục vụ cho hoạt động giao thương đang phát triển ngày cang mạnh mẽ, một nhà lưu trú (7gian) và 2 nhà tắm cho học sinh bán trú. Ông Thành cho biết, trước đây, trường không có nhà tắm, các em học sinh phải tắm sông rất nguy hiểm, đặc biệt là vào mùa lũ. Ngoài ra, xã cũng kết hợp lồng ghép với Chương trình 134, Nghị quyết 30a về hỗ trợ 61 huyện nghèo tiếp tục đầu tư, hỗ trợ sản xuất cho các hộ gia đình về phân bón, giống, mô hình chuồng trại, thức ăn làm động lực thúc đẩy phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng-vật nuôi, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyễn Hoa
(Kinh tế VAC Chuyên đề DTTS&MN, số 10/2009)

(TT: L.X.T)

 In bài viết
Văn bản điều hành