Đổi thay ở Óc Eo
Óc Eo là thị trấn miền núi có đông đồng bào Khmer sinh sống của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Những năm trước đây, do cách trở giao thông, điều kiện sản xuất không thuận lợi nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, khi thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, địa phương đã triển khai thực hiện tốt các Chương trình 134, 135 của Chính phủ đã giúp vùng quê này ngày một thay da đổi thịt, bà con Khmer có cuộc sống ngày càng sung túc.
Ngồi trong căn nhà được hỗ trợ từ CT 134 của Chính phủ, chị Mai Kim Chi La, vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi nghèo, đi làm mướn, làm thuê tích góp gần chục năm nay nhưng không cất được nhà. Nay nhờ có Nhà nước hỗ trợ tôi có nhà mới, giờ chỉ lo tập trung làm ăn phát triển kinh tế”. Niềm vui của chị La cũng là niềm vui chung của 174 hộ Khmer nghèo tại thị trấn Óc Eo. Những căn nhà từ CT 134 không chỉ mang lại cho họ một chỗ ở ổn định mà còn giúp họ tin tưởng vào những chính sách đúng đắn của Đảng và có thêm ý chí vươn lên thoát nghèo.
Anh Mai Đức, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Óc Eo, cho biết: “Những năm gần đây, bà con Khmer đã được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn... giúp nhiều hộ phát triển sản xuất thoát nghèo vươn lên khá giàu. Trong đó, có hơn 100 nông dân được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp xã, huyện và cấp tỉnh. Đặc biệt ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, khẳng định những hướng phát triển khá ổn định tại Óc Eo”.
Không chỉ nông nghiệp phát triển, tiểu thủ công nghiệp nơi đây cũng phát triển theo. Hàng loạt cơ sở chế biến ra đời đã giúp cho hàng trăm lao động người Khmer có việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống. Khi đời sống phát triển, bà con cùng chung tay với chính quyền xây dựng quê hương.
Chỉ tay về con đường cạnh núi Ba Thê, chị Chau Thị Xưng, ấp Tân Hiệp B, cho biết: “Trước đây con đường này sình lầy, nhờ Nhà nước vận động, bà con cùng hiến đất, kinh phí giờ đây chúng tôi có thể đi lại thuận lợi. Con em có thể đến trường vào mùa mưa. Riêng nhà máy chế biến bong bóng cá được đầu tư tại đây giúp chúng tôi có thêm việc làm. Mỗi ngày trung bình từ 50-60.000 đồng”. Đặc biệt, Nhà nước đầu tư làm các tuyến đường số 1 số 2 từ nguồn vốn Chương trình 135 giúp cho bà con Khmer tại các ấp tân Hiệp A, Tân Hiệp B, Tân Đông, Trung Sơn đi lại dễ dàng. Bà con Khmer nơi đây cũng hiến hơn 1,2 ha đất để làm đường lên núi Ba Thê.
Giờ đây, có thể nói đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer tại Óc Eo đã được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ huy động trẻ em đến trường đạt trên 90%, trạm y tế thị trấn đạt chuẩn quốc gia mỗi năm khám và điều trị bệnh cho 71.000 lượt người. 75% hộ dân sử dụng cầu tiêu hợp vệ sinh, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động.
Ông Đinh Công Lập, Bí thư Đảng ủy thị trấn Óc Eo, cho biết: “Hiện nay toàn thị trấn đã có 75% số hộ sử dụng điện, nước sạch, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Nhờ đời sống phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững. Bà con khmer chí thú làm ăn. Đặc biệt thông qua các nguồn vốn hỗ trợ, đã có 90 hộ Khmer nghèo thường xuyên được vay vốn phát triển sản xuất. Đang triển khai đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước tại ấp Tân Đông dùng để chứa nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con Khmer.
Ngoài ra, sẽ thu hút 6 doanh nghiệp đầu tư vào tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Óc Eo phấn đấu hết năm 2009 tổng số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt trên 92%, hộ sử dụng điện 97%. Đặc biệt là nâng cao chất lượng nông sản, quy hoạch lại vùng sản xuất cho phù hợp. Hình thành các vùng chuyên canh, xen canh, khuyến cáo bà con đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng hiệu quả kinh tế”.
Quỳnh Lam
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 73/2009)
[TT: H.T.N]