Đổi thay ở xã nông thôn mới Sơn Tinh

Xã vùng cao Sơn Tinh được huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai chương trình, xã đã có sự khởi sắc về nhiều mặt, thoát khỏi “lớp áo” nghèo nàn trước đây.

Bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép như chương trình 135, 30a... xã Sơn Tinh đã chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng. Điện được dẫn về tận thôn xóm, buôn làng giúp đồng bào tiếp cận với công nghệ số, mở mang hiểu biết. Chị Đinh Thị Trua, đội 2, thôn Tà King phấn khởi chia sẻ: “Hồi xưa mình không biết ti vi là gì, cả thôn chỉ một nhà có thôi. Giờ điện đầy đủ, ai cũng rủ nhau đi mua về xem, tiện lắm”.

Trường học được xây dựng khang trang, giúp trẻ em vùng cao Sơn Tinh có điều kiện đến lớp học cái chữ, mở ra hi vọng về một tương lai tươi sáng, thoát cảnh bám nương rẫy. Trạm y tế xã được trang bị nhiều máy móc hiện đại, nên chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân được cải thiện đáng kể. Chị Đinh Thị Rúp, thôn Nước Kỉa, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi hồ hởi: “Trạm có máy siêu âm, bệnh nhân không phải đi xa, đỡ phải tốn công, đỡ phải tốn tiền”.

Người dân nơi đây cũng không còn chịu cảnh ngăn sông cách núi vào mùa mưa lũ nữa vì đã có cầu treo cốt thép kiên cố nối đôi bờ Sơn Tinh - Sơn Thượng, việc đi lại thuận lợi hơn. Đặc biệt nhiều tuyến đường được mở rộng giúp người dân có điều kiện vận chuyển vật liệu từ dưới xuôi lên để xây dựng nhà cửa vững chắc và hình thành nhiều khu dân cư mới. Nông sản làm ra đều được thương lái đến tận nhà thu mua, nên đời sống người dân ngày một khá giả. Theo thống kê của xã, mức thu nhập bình quân đã tăng lên 8 triệu đồng/người/năm.

Đường giao thông nông thôn được mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương.

Chủ trương xây dựng NTM thật sự gây được tiếng vang lớn, tạo sự đồng thuận rất cao trong nhân dân. Nhiều cá nhân tự nguyện đóng góp đất đai để xây dựng trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng. Điển hình như già Đinh Văn Viết, thôn Tà King hiến hơn 420 m2 đất. Già Viết bộc bạch: “Tôi nghĩ bây giờ thôn chúng tôi phải có một cái nhà sinh hoạt cộng đồng cho nên tôi mới cho đất này. Đáng lẽ tôi để cho con nhưng mà thôi để cho Nhà nước, cho tập thể, cho con cháu sau này có chỗ sinh hoạt chứ không lý gì sinh hoạt, họp hành gì cũng ở nhà dân, nhà sàn. Ở như thế này thì nó đàng hoàng hơn, sạch sẽ hơn".

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn hỗ trợ giúp dân khai hoang diện tích lúa nước, đất trồng rừng, ít nhất là 0,5 ha/hộ để tạo sinh kế lâu dài cho người dân Cadong, góp phần ổn định sản xuất, phát triển kinh tế nông hộ. Bà Trần Thị Tuyết Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Sơn Tinh đã thay đổi mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần so với những năm trước. Tới đây, chính quyền sẽ tiếp tục vận động nhân dân cùng nhau xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành tất cả các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới".

 In bài viết
Văn bản điều hành