Đổi thay từ Chương trình 30a
Nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi từ Chương trình 30a của Chính phủ, xã Phúc Than (huyện Than Uyên) đã giúp người dân có thêm điều kiện, vươn lên thoát khỏi nghèo đói.
Xác định chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi thuộc
Chương trình 30a (theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27 tháng 12 năm 2008 của
Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện
nghèo) của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội để địa phương tận dụng, bứt phá tạo
chuyển biến mọi mặt trong đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Do vậy, cấp ủy,
chính quyền địa phương đã tổ chức, phân công cán bộ, xây dựng kế hoạch cụ thể,
chi tiết để tổ chức thực hiện. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền đến
Nhân dân về lợi ích thiết thực mà các chính sách mang lại thông qua họp bản,
lồng ghép các chương trình khác. Tổ chức từng gia đình đăng ký nhu cầu cần hỗ
trợ phù hợp với điều kiện trồng trọt, chăn nuôi; đảm bảo phải có chuồng trại,
đất canh tác, nhất là khi tham gia chính sách tuân thủ quy trình, kỹ thuật của
cán bộ chuyên môn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch
UBND xã Phúc Than cho biết: “Để giúp bà con có điều kiện canh tác, chăn nuôi, xã
cũng đề nghị huyện ưu tiên bố trí đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục
vụ sản xuất (kênh mương, đường giao thông), hỗ trợ xây dựng chuồng trại. Các
hội, đoàn thể tích cực tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để giúp
hội viên, đoàn viên tiếp cận nguồn vốn vay. Cùng với đó, phối hợp với cơ quan
chuyên môn của huyện xuống “từng bản, gõ từng nhà”, “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn
kỹ thuật trồng trọt, cách chăm sóc gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh”.
Với mục tiêu, phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở khai thác
tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao dân trí và tính chủ động của
người dân trong lao động là cơ sở xóa đói giảm nghèo bền vững, xã vận động bà
con tích cực khai hoang, mở rộng diện tích trồng trọt, áp dụng khoa học kỹ thuật
vào sản xuất; chăn nuôi gia súc có chăn dắt. Hướng dẫn Nhân dân sử dụng hỗ trợ
cây trồng, vật nuôi đúng mục đích, kiểm soát tốt dịch bệnh. Giúp nông dân trong
xã thay đổi thói quen canh tác lạc hậu chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi theo
hướng hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế, từng bước tăng thu nhập.
Theo báo cáo của UBND xã Phúc Than, năm 2015 có 107 hộ được hỗ
trợ giống vật nuôi với 189 con lợn (25 lợn nái Móng Cái sinh sản, 164 lợn thịt
siêu nạc với tổng số 689 triệu đồng); 261 hộ được hỗ trợ 2.564kg giống lúa (PC6,
Séng cù) với 298ha tổng trị giá 115 triệu đồng; 71 hộ được hỗ trợ 400kg giống
ngô CP333. Năm 2016, có 337 hộ được hỗ trợ 4.225kg giống cây trồng với diện tích
603.571m2, tổng số tiền 183 triệu đồng. Nhờ việc cung ứng đảm bảo theo đúng quy
định, thời gian, chủng loại… năng suất lúa được nâng lên đáng kể. Vụ đông xuân
năm 2014 đạt 56 tạ/ha tăng lên 61 tạ/ha (năm 2016)... Đặc biệt, khi được hưởng
lợi từ hỗ trợ giống lợn, trồng cỏ gia súc, bà con đã duy trì phát triển đàn lợn
thịt, lợn nái sinh sản một cách bền vững.
Từ chính sách hỗ trợ sản xuất của Chương trình 30a, bà con bản
Sam Sẩu được hỗ trợ trên 100kg giống lúa PC6 và Séng cù, góp phần nâng cao năng
suất, sản lượng cây trồng. Hay trong năm 2015, bản Sắp Ngụa 2 được hỗ trợ 10 con
lợn giống cho 5 hộ, qua đó bà con được tiếp cận giống lợn mới, thời gian nuôi
ngắn, tỷ lệ nạc cao hơn so giống địa phương. Các hộ tham gia còn được hỗ trợ
100% về giống và kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh.
Ông Vàng A Cho – Trưởng bản Sắp Ngụa 2, xã Phúc Than chia sẻ:
“Sau khi hỗ trợ giống vật nuôi, các hộ nắm bắt được kỹ thuật trong chăn nuôi
như: phương pháp chọn giống, cách phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, xây
dựng chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Từ đó, áp dụng vào chăn nuôi tại các
hộ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, được hỗ trợ giống lợn nái sinh sản,
đến nay, nhiều gia đình đã để được giống nhằm tăng đàn, đồng thời cung cấp con
giống cho bà con trong vùng để nuôi”.
Những chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi từ Chương
trình 30a của Chính phủ triển khai tại xã Phúc Than đã góp phần nâng cao giá trị
thu nhập, tăng năng suất cây trồng, phát triển đàn vật nuôi, giúp hộ nghèo thoát
nghèo bền vững.