Đòn bẩy giúp Đakrông thoát nghèo

Đakrông (Quảng Trị) là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước được thụ hưởng Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững của Chính phủ (Nghị quyết 30 a). Với đặc thù là huyện miền núi nghèo, người dân chủ yếu là đồng bào Pa Kô và Vân Kiều sinh sống rải rác trên các bản làng xa xôi, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, nhờ thực hiện Nghị quyết 30a nên đời sống kinh tế, xã hội cũng như nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến tích cực.

Kể từ năm 2008 đến nay huyện Đakrông đã được hỗ trợ trực tiếp trên 8,1 tỷ đồng cho 2.063 hộ dân phát triển sản xuất. Với phương châm nhà nước hỗ trợ giúp người dân tập trung phát triển kinh tế, qua đó tạo sự ổn định và nâng cao đời sống, đặc biệt là các hộ nghèo, các dự án thuộc Chương trình 30 a đã tập trung hỗ trợ sản xuất, dạy nghề gắn với tạo việc làm; đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở; hỗ trợ các chính sách trong giáo dục, dạy nghề và nâng cao dân trí.

Đồng chí Trần Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng cho biết: “Ba Lòng là một xã nghèo, thường xuyên bị lũ ống, lũ quét nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau khi được Chương trình 30a đầu tư từ năm 2009, xã đã tập trung phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Nhờ đó đến nay bộ mặt của xã đã có nhiều thay đổi”.

Để các dự án thuộc Chương trình 30a đạt hiệu quả cao, UBND huyện Đakrông đã thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư. Mặt khác, huyện tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, các nội dung trọng tâm để hỗ trợ các hộ thoát nghèo bền vững. Trong đó phải kể đến các giải pháp như nhận khoán chăm sóc, trồng mới và bảo vệ rừng; chăn nuôi; khuyến công, phát triển thương mại; xuất khẩu lao động; đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn; tăng cường thực hiện chính sách thu hút cán bộ, tri thức trẻ đến công tác tại các xã nghèo, khó khăn…Anh Hồ Ai Can, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông cho biết, gia đình anh được vay 70 triệu đồng để phát triển kinh tế và được hỗ trợ về kỹ thuật, nên anh đã mua 6 con bò giống về nuôi và nuôi thêm dê, gà thả vườn. Hiện nay, đàn gia súc của gia đình anh đã có trên 40 con, mỗi năm mang lại lợi nhuận từ 60-70 triệu đồng.

Sau gần 8 năm thực hiện Nghị quyết 30a, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đakrông ở mức 63,3% vào năm 2009 giảm xuống còn 20,92% vào cuối năm 2015, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 15%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; 100% tuyến đường về xã, 70% đường liên thôn được bê tông hóa. Nhiều điểm trường trên địa bàn huyện đã được xây dựng mới thay cho các lớp học, trường học tranh tre nứa lá, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh miền núi. Đặc biệt, huyện đã có 8/14 xã đạt chuẩn về công tác khám chữa bệnh, nhiều trạm y tế mới được xây dựng đã đáp ứng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Là địa phương có địa hình chủ yếu là đồi núi, việc cung cấp điện chiếu sáng gặp nhiều khó khăn nhưng đến cuối năm 2015, huyện Đakrông đã cung cấp điện cho 87% hộ gia đình trên địa bàn và phấn đấu đến cuối năm 2016 có trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Các chính sách về giảm nghèo, nâng cao sinh kế được các ngành, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc, cơ sở hạ tầng được tăng cường, hệ thống trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn được cải thiện và nâng cao, từ đó thu hẹp dần khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hồ Đắc Quỳ, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết thêm: “Nhờ triển khai Nghị quyết 30a, đến nay Đakrông đã có sự phát triển về mọi mặt. Nghị quyết 30a thực sự trở thành đòn bẩy hiệu quả giúp huyện thoát nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay việc thực hiện nghị quyết trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn như nguồn vốn phân bổ thấp so với nhu cầu vốn bình quân của đề án được duyệt. Huyện còn trên 20 hạng mục công trình đang xây dựng chưa hoàn thành. Mặt khác, các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án ODA, NGO và các nguồn hỗ trợ khác bị cắt giảm, dẫn đến tổng mức đầu tư trên địa bàn giảm mạnh. Việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, mô hình khuyến nông để giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt được kết quả ở quy mô thí điểm nhưng chưa có điều kiện nhân rộng. Do vậy trong thời gian tới, huyện Đakrông mong muốn được hỗ trợ thêm kinh phí để tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân bằng các mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có như vậy mới giúp Đakrông sớm đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững”.

 In bài viết
Văn bản điều hành