"Đòn bẩy" phát triển vùng dân tộc thiểu số huyện Tiên Yên

Giai đoạn 2014-2019, nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và Đề án 196 trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Tiên Yên có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình 135 và Đề án 196 đã làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi của huyện, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Người dân thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu trong niềm vui về nhà mới.

Động lực thoát nghèo

Thôn Khe Lẹ là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên). Nơi đây có 35 hộ đồng bào dân tộc Dao với 172 nhân khẩu. Người dân vốn quen cảnh bám các bìa rừng, vách núi để sinh sống, nên đến mùa mưa bão là tính mạng nhiều hộ dân trong thôn lại bị đe dọa, trước nguy cơ sạt lở luôn rình rập. Việc vận động di dời các hộ dân trong thôn Khe Lẹ đến nơi ở mới là việc làm cần thiết để người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên để di dời được 35 hộ dân trong thôn chuyển đến nơi ở mới không hề đơn giản, yêu cầu đặt ra là phải tạo dựng quỹ đất, tạo nguồn hỗ trợ. Năm 2017, UBND huyện Tiên Yên đã vận dụng một cách linh hoạt, bằng cách huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia chung tay hỗ trợ vật liệu, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh 35 triệu đồng/1 hộ để hỗ trợ các hộ dân di dời. 

Đến nay, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sự hỗ trợ từ Chương trình 135, Đề án 196 của tỉnh Quảng Ninh, thôn Khe Lẹ đã trở thành một trong những thôn điển hình của cả xã trong việc xây dựng NTM, xây dựng thôn, khu dân cư kiểu mẫu. Đời sống của người dân đã ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm sâu theo từng năm. Bà Lý Thị Nga, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Khe Lẹ, chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, địa phương, đặc biệt từ nguồn Chương trình 135 và Đề án 196, người dân chúng tôi đã được hỗ trợ để xây dựng nhà ở sau khi chuyển ra vị trí ở mới. Cơ sở hạ tầng như nhà văn hóa, đường giao thông để đi lại, sinh hoạt đều được xây dựng thuận tiện. Hiện, cuộc sống của 35 hộ dân trong thôn đã ổn định và thôn cũng được tỉnh công nhận thoát khỏi diện 135. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp người dân trong thôn vươn lên thoát nghèo bền vững''.

Hà Lâu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tiên Yên với trên 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, thời điểm thực hiện Đề án 196, xã có 8/12 thôn thuộc diện 135. Năm 2017, từ Đề án 196, địa phương này đã được đầu tư 5 công trình hạ tầng và 3 dự án phát triển sản xuất. Năm 2018, xã Hà Lâu được phê duyệt 6 công trình hạ tầng và 2 dự án phát triển sản xuất. Đối với Chương trình 135, giai đoạn 2016-2020, xã Hà Lâu đã được hỗ trợ trên 111 tỷ đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho người dân. 

Việc triển khai các dự án đều được xã Hà Lâu rà soát, xây dựng dựa trên sự bàn bạc, thống nhất từ nhu cầu của cộng đồng, người dân các thôn, bản. Để triển khai hiệu quả, xã Hà Lâu cũng tích cực tuyên truyền về chính sách, đối tượng thụ hưởng, quyền lợi khi tham gia các dự án phát triển sản xuất đến với nhân dân trong xã để người dân nắm bắt được thông tin.

Đến nay, nhiều dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là dự án hỗ trợ chăn nuôi gà Tiên Yên đã và đang phát huy hiệu quả giúp người dân trong xã vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ gia đình anh Trần Văn Hoan ở thôn Bắc Lù được chính quyền địa phương hỗ trợ con giống và nguồn vốn sản xuất từ chương trình 135. Gia đình anh Hoan đã quyết định đầu tư vào nuôi gà Tiên Yên. Sau 2 năm triển khai, mô hình gà của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập về 200 triệu đồng. Anh Hoan chia sẻ: “Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, dù quanh năm lam lũ với ruộng vườn, đồi nương nhưng cứ đến kỳ giáp hạt, gia đình lại chạy vạy từng bữa. Từ khi được chính quyền địa phương tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Chương trình 135, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn và được hỗ trợ giống gà để chăn nuôi. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ địa phương, cùng với phương thức chăn nuôi đúng hướng, đến nay gia đình đã trả hết hoàn toàn số tiền vay vốn trước đó và còn dư ra một khoản để tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi trong thời gian tới”.

Chính từ các dự án phát triển sản xuất mà thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của xã Hà Lâu đạt khoảng 33,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 còn 25,94% thì đến năm 2019 giảm xuống còn 1,66%. Với sự chủ động bứt phá vươn lên trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 135 cũng như Đề án 196 giai đoạn 2016 – 2020, hiện xã Hà Lâu đã hoàn thành mục tiêu “kép” là thoát khỏi xã 135 và về đích xã đạt chuẩn NTM trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Chia sẻ về kinh nghiệm trong triển khai Chương trình 135 và Đề án 196 ở địa phương, ông Vi Đức Phúc, Chủ tịch UBND xã Hà Lâu cho biết: “Giai đoạn 2015-2019, xã được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 và Đề án 196. Những nguồn vốn này thực sự là “chiếc cần câu” giúp người dân nơi đây vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Để đảm bảo hiệu quả, phát huy được nguồn ngân sách Trung ương, chính quyền xã đã thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo, ban quản lý cấp xã và các tổ quản lý ở các thôn. Trong quá trình triển khai có sự vào cuộc của ban giám sát đầu tư cộng đồng xã. Vì vậy, các công trình đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất của nhân dân trong xã đã phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 135, Đề án 196

Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các vùng miền, các dân tộc trên địa bàn huyện, thời gian qua, huyện Tiên Yên đặc biệt quan tâm tới công tác xóa đói, giảm nghèo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm tạo mọi nguồn lực cho đồng bào các xã ĐBKK vươn lên, hỗ trợ phát triển sản xuất là một trong những việc làm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này.

Trong 5 năm thực hiện Chương trình 135, Đề án 196, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện đã được hỗ trợ tổng kinh phí trên 127,4 tỷ đồng. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 – 2019, chương trình đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.420 lượt hộ gia đình từ giống cây trồng, giống vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất mới và nhân rộng, chuyển giao nhiều mô hình sinh kế theo hướng giảm nghèo bền vững cho bà con. Qua đó, đã góp phần giúp cho người dân có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Một số mô hình đem lại hiệu quả và đang được nhân rộng như: Mô hình nuôi gà Tiên Yên tại các xã Đại Dực, Hà Lâu, Phong Dụ; mô hình chăn nuôi lợn… và hỗ trợ máy móc nông cụ, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, số hộ nghèo tại các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn huyện giảm từ 230 hộ năm 2016 xuống còn 9 hộ cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người tại các xã ĐBKK tăng từ 12,5 triệu đồng/người cuối năm 2016 lên 36,18 triệu đồng/người cuối năm 2019.

Nếu như hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp người dân các thôn, xã ĐBKK xóa đói giảm nghèo thì việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu lại mang đến một diện mạo mới cho các xã ĐBKK của huyện Tiên Yên. Trong 5 năm qua, từ các nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, huyện Tiên Yên đã đầu tư xây dựng 67 công trình hạ tầng thiết yếu tại các xã, thôn ĐBKK của huyện. Trong đó, có 32 công trình giao thông, 24 công trình thủy lợi, 2 nhà văn hóa thôn, 5 công trình nước sinh hoạt, 3 công trình trường học, 1 công trình điện. Các công trình, dự án hạ tầng chủ yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng cao, góp phần cải thiện rõ rệt diện mạo nông thôn, miền núi. Đến nay, 100% xã ĐBKK có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn ĐBKK cơ bản đã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; các xã ĐBKK có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ dân ở các xã, thôn ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác an toàn; trên 99,6% số hộ dân tại các xã, thôn ĐBKK được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 100% số hộ dân trên địa bàn các xã, thôn ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia.

Ông Tạ Quang Sáng, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tiên Yên cho biết: “Từ những kết quả đạt được của từng hợp phần trong Chương trình 135, Đề án 196 giai đoạn 2016- 2020 tại huyện Tiên Yên, có thể khẳng định đây là chương trình hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều tác động trực tiếp, thúc đẩy kinh tế, văn hóa- xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được UBND tỉnh giao cho UBND huyện; huyện chỉ đạo các xã tổ chức lấy ý kiến nhân dân nên đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, nguồn vốn phát huy được hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, công tác tuyên truyền được chúng tôi đặc biệt quan tâm thực hiện, do đó hầu hết người dân trên địa bàn được hưởng lợi từ chương trình đều được biết và chủ động tham gia trong lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được thường xuyên kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công; danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất đều được thông qua các buổi họp thôn, bản, bình chọn công khai, dân chủ”.

Với nhiều giải pháp đột phá, cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đến năm 2019, 100% các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn huyện đã được công nhận, đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK. Có thể khẳng định chương trình 135, Đề án 196 trên địa bàn huyện Tiên Yên đã tạo dấu ấn quan trọng, trở thành “đòn bẩy” để người dân ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

baoquangninh.com.vn

 In bài viết
Văn bản điều hành