Đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Thuận Bắc giảm nghèo nhanh nhờ Chương trình 135

Huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận có các xã Đông Giang, Thuận Minh, Thuận Hòa và La Dạ là 4 xã vùng đồng bào DTTS được hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ. Nhờ có Chương trình 135, đồng bào là DTTS của 4 xã huyện Hàm Thuận Bắc đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, bộ mặt các xã vùng đồng bào DTTS đã có nhiều đổi thay và ngày càng khởi sắc.

Chương trình 135 đã giúp cho đồng bào các xã vùng DTTS có nhiều chuyện biến theo tiến trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. Đồng bào đã tiếp thu được kiến thức khoa học, kỹ thuật và biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biết trồng cây lúa nước, bắp lai đem lại hiệu quả cao. Những năm qua, đồng bào đã sản xuất trên 500 ha cây lúa nước, năng suất bình quân đạt 40 đến 45 tạ/ha. Hằng năm gieo trồng trên 1.000 ha cây bắp lai, năng suất bình quân 55 tạ/ha, có nơi đạt 60 đến 65 tạ/ha, sản lượng từ 5.500 đến 6.500 tấn. Nhờ có sản lượng lương thực cao nên từ năm 2007 đến nay các xã hưởng lợi từ chương trình 135 không còn hộ đói, hộ khá giàu tăng nhanh, hộ nghèo giảm đáng kể.

Phong trào cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch cũng được đẩy mạnh. Nhờ có Chương trình 135, một số hộ đồng bào mua sắm máy cày, máy xới, máy tuốt lúa, máy tách hạt bắp…phục vụ cho việc làm đất và thu hoạch. Từ việc cơ giới hóa này nên việc làm đất, thu hoạch nhanh gọn đỡ hao tốn công lao động thủ công, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn các xã vùng đồng bào DTTS huyện Hàm Thuận Bắc ngày càng khởi sắc. Có được những kết quả trong sản xuất nông nghiệp phải nói đến công tác khuyến nông. Từ khi thực hiện Chương trình 135, khuyến nông tỉnh, huyện đã tổ chức 160 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, tập huấn cạo mủ cao su cho trên 5.600 lượt nông dân tham dự. Tổ chức, xây dựng nhiều mô hình trồng bắp lai, lúa nước, chăn nuôi gà thả vườn… bước đầu đạt hiệu quả, đã làm chuyển biến nhận thức của đồng bào DTTS về việc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông B Rông Đem, nông dân xã La Dạ khẳng định: “Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135, đồng bào được tập huấn kỹ thuật trồng lúa nước, bắp lai, chăn nuôi bò, nuôi heo rừng lai... đồng bào còn được cán bộ nông nghiệp huyện, tỉnh trực tiếp hướng dẫn cách làm nên đã tiếp thu được kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đồng bào K’ho chúng tôi đã no cái bụng, không đi phá rừng, hầm than trái phép nữa…”.

Kinh tế phát triển, kéo theo đời sống tinh thần của đồng bào được cải thiện đáng kể. Đến nay, bình quân số hộ có xe máy các loại đạt 82%, số hộ có ti vi đạt 85%, số hộ có hố xí hợp vệ sinh đạt 80%, số hộ được sử dụng điện đạt 92%. Hằng năm có khoảng 78% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đặc biệt nhờ Chương trình 135, đến nay số hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào DTTS giảm nhanh. Trước năm 2006, khi chưa thực hiện chương trình 135, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào DTTS còn 65%, đến đầu năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 32%, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14%.

Đồng chí Hoàng Văn Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Đông Giang phấn khởi cho biết: “Trong những năm qua, các xã vùng đồng bào DTTS được hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ, được nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn đổi thay rất nhiều và ngày càng khởi sắc. Thành tựu nổi bật nhất là đồng bào biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng cây lúa nước, bắp lai, chăn nuôi bò Laisind…đến nay đời sống của đồng bào được cải thiện rõ rệt, không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm nhanh và tiến tới thoát nghèo…”.

Đỗ Khắc Thể

 In bài viết
Văn bản điều hành