Động lực thoát nghèo của người dân miền núi Tân Uyên

Thời gian qua, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn; giúp người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện tại xã Tà Mít giúp nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Nhờ thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân, đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Tân Uyên từng bước nâng cao ý thức, vươn lên thoát nghèo. Người dân bước đầu chuyển hình thức tự cung tự cấp sang hình thức sản xuất hàng hóa, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả như: trồng chè, mắc ca, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản dưới lòng hồ thủy điện…

Ông Ngọ Doãn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết, các chính sách hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Qua đó, sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 32.000 tấn, sản lượng chè búp tươi 17.500 tấn, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hàng năm đạt 2,4%, sản lượng thủy sản đạt 500 tấn…

Nhờ vậy, cuộc sống người dân trong huyện đã ổn định hơn, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, dự ước hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng. Điều này góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 39,3% năm 2016 xuống còn 9,37% năm 2019. Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2018, Tân Uyên được thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 8 huyện trên cả nước được xét thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.

Mường Khoa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Uyên, toàn xã có 5 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99,9%, đa số là dân tộc Thái, Lào. Nhiều năm qua, xã nhận được nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lai Châu và huyện. Từ đó, xã Mường Khoa đã rà soát những hộ nghèo được hưởng chế độ chính sách để hỗ trợ người dân về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp; chủ động tuyên truyền bà con nhân dân thay đổi hình thức canh tác, chú trọng hơn đến việc đầu tư thâm canh, đặc biệt chú trọng trồng cây chè.

Ông Nguyễn Huy Kinh, Chủ tịch UBND xã Mường Khoa cho hay: Các chính sách hỗ trợ về kinh tế đã mang lại hiệu quả tích cực đối với người dân; người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế như trồng chè, chăn nuôi trâu, bò, dê... Từ đó, tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,7% năm 2011 xuống còn 11,47% năm 2019. Với kết quả đạt được, tháng 6 vừa qua xã Mường Khoa được UBND tỉnh Lai Châu công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đây là quá trình nỗ lực và dấu mốc quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Gia đình anh Lò Văn Kim, bản Nậm Cung 2, xã Mường Khoa trước đây thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, hai vợ chồng anh chỉ trồng vài sào lúa, không có thu nhập thêm từ các nguồn khác. Được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về cung cấp cây giống, phân bón và ngày công lao động, anh Kinh đã mạnh dạn mua thêm 1 ha diện tích mới, cùng với 1ha diện tích sẵn có của gia đình để trồng chè. Chưa dừng lại ở đó, anh tận dụng các chính sách hỗ trợ tiếp tục vay vốn 100 triệu để đầu tư nuôi trâu, bò, dê; năm 2020 anh cũng được nhận hỗ trợ hơn 200 gốc chanh leo để trồng. Từ đó, giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Anh Kinh chia sẻ, nhờ các chính sách hỗ trợ mà đến nay gia đình anh có 2 ha chè, 3.700m2 chanh leo, kết hợp với chăn nuôi hơn 30 con dê và gần 10 con trâu, bò. Kinh tế gia đình ngày càng có thu nhập ổn định, mỗi năm trừ chi phí, tổng thu nhập được 100 triệu đồng. Đến nay, đời sống kinh tế gia đình anh ngày được cải thiện, trở thành hộ khá giả trong bản.

Lồng ghép các chương trình

ân Uyên là huyện miền núi của tỉnh Lai Châu, với 4/9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 10 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 87%. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều và tập quán canh tác còn lạc hậu.

Trước thực trạng trên, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Tân Uyên đã tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn như: Chính sách giáo dục, y tế, nhà ở; chương trình 30a, chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới… những chính sách, chương trình này là động lực giúp người dân Tân Uyên vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Năm 2020, huyện Tân Uyên được chương trình 30a, chương trình 135 hỗ trợ hơn 85,6 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học. Cùng với đó, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân và nhân rộng mô hình giảm nghèo; cụ thể: hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi, vật tư sản xuất để phát triển kinh tế. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.

Ngoài các chương trình trên, Tân Uyên còn lồng ghép thực hiện các chính sách giảm nghèo chung gồm: chính sách hỗ trợ giáo dục, đã cấp tiền miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 9.500 học sinh, với số tiền trên 3,2 tỷ đồng. Về y tế, cấp phát hơn 4.100 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn; hỗ trợ về nhà ở cho 8/17 hộ đăng ký vay vốn tín dụng hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ/TTg; hỗ trợ tiền điện quý I cho trên 1.100 hộ nghèo, với kinh phí hơn 192 triệu đồng…

Ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho hay, nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, hàng năm, huyện Tân Uyên đã xây dựng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo và tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các xã và người dân trong thực hiện chương trình này.

Đồng thời, tuyên truyền đến nhân dân trong huyện về các chính sách, đối tượng thụ hưởng và quyền lợi khi tham gia chương trình để người dân nắm bắt được thông tin, chủ động tham gia. Huyện cũng nghiêm túc thực hiện các đợt kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn huyện.

Mặt khác, Tân Uyên triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; lấy phát triển chè, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, thủy sản là hướng đi phù hợp để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Cùng đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết phát triển sản xuất nông lâm nghiệp giữa người dân với doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ngoài ra, nâng cao công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp, cũng như tham gia lao động trong và ngoài nước, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp người dân vùng khó mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Thời gian tới, huyện Tân Uyên tiếp tục huy động lồng ghép các nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên cơ sở tăng định mức và mở rộng đối tượng thụ hưởng; nâng cao ý thức tự thoát nghèo của các hộ nghèo, tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung giúp đỡ hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, cải thiện nhà ở... và nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả.

baotintuc.vn
 

 In bài viết
Văn bản điều hành