Dong riềng Bình Liêu chờ mùa bội thu
Hiện khắp các xã vùng núi Bình Liêu (Quảng Ninh) đang khoác lên mình màu xanh của những cánh đồng dong riềng tươi tốt. Trong đó, bà con xã Húc Động - vựa dong riềng, và là nơi sản xuất miến dong đặc trưng nhất của huyện Bình Liêu đang rất háo hức đón chờ một mùa bội thu.
Húc Động là xã miền núi đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm kinh tế xã hội thấp, với 9/9 thôn bản thuộc diện 135, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, hiện vẫn phải dựa 100% ngân sách Nhà nước.
Mặc dù thiên nhiên không ưu đãi cho địa phương những cánh đồng bát ngát, phì nhiêu nhưng lại ban tặng cho vùng này những khoảnh đất núi khô cằn rất hợp với dong riềng.
Năm 2016, sản lượng dong riềng ở xã Húc Động đạt mức cao kỷ lục, gần 3 nghìn tấn củ dong, nhiều xưởng sản xuất miến dong của xã luôn hoạt động hết công suất. Với sự ưu đãi của tự nhiên, tại Bình Liêu, Húc Động được đánh giá là một trong những xã sản xuất miến dong đặc trưng nhất nhì của địa phương.
Theo báo cáo của UBND xã Húc Động, cùng các địa phương khác trong huyện, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao; tăng hiệu quả sản xuất trên một diện tích canh tác và góp phần tăng thu nhập như vùng trồng dong riềng, dược liệu, chăn nuôi gia súc, nuôi ong lấy mật và trồng rừng nguyên liệu.
Tuy nhiên, thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, sản phẩm hàng hóa ít, tập quán sản xuất lạc hậu, chưa thu hút được đầu tư vào nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.
Do vậy, nhằm cụ thể hóa định hướng đưa xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, thay đổi phương thức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, hình thành vùng sản xuất tập trung tại xứ đồng của 9 thôn bản, quy mô 80,2ha, xã Húc Động đã xây dựng dự án hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo trồng dong riêng tập trung.
Theo đó, xã Húc Động đang triển khai thực hiện dự án hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo trồng dong riêng tập trung, với giống dong riềng DR1 sản lượng cao, quy mô 33,952ha, 126 hộ tham gia. Việc triển khai dự án đồng thời góp phần giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu sản xuất miến dong của huyện Bình Liêu hiện nay.
Về Bình Liêu vào ngày tháng 8, dưới thung lũng, hay từ chân đồi đến sườn đồi đâu đâu cũng là bạt ngàn cây dong riềng vừa qua mùa trổ hoa, lá xanh tươi tốt. Năm nay diện tích trồng dong riềng tại Húc Động đạt hơn 98ha.
Khắp các thôn bản Húc Động, bà con Sán Chỉ đang rất háo hức đón chờ mùa thu hoạch sắp tới. Gia đình bà Sàn Thị Và (57 tuổi) thôn Nà Ếch, có gần 1ha dong riềng, chia sẻ với chúng tôi, bà Sàn Thị Và rất phấn khởi về mùa dong năm nay, do được sự hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây, nên vườn dong riềng của gia đình rất tốt. Theo bà Sàn Thị Và, năm nay diện tích trồng dong riềng của xã Húc Động lớn, vì thế khả năng giá thu mua của các cơ sở sản xuất sẽ giảm xuống đôi chút.
Còn đối với các cở sở sản xuất, việc diện tích trồng dong riềng mở rộng, cho sản lượng lớn họ sẽ không lo thiếu nguyên liệu. Chị Mảy A Sỉn (45 tuổi), chủ cơ sở sản xuất miến dong của Húc Động tỏ ra vui vẻ mong chờ mùa dong riềng mới của xã. “Trước tình trạng hàng năm đều thiếu nguyên liệu, hàng sản xuất không có để tiêu thụ, vì vậy, diện tích trồng dong riềng năm nay được mở rộng nên chúng tôi rất yên tâm” - chị Mảy A Sỉn bày tỏ.
Mùa thu hoạch củ dong riềng ở Bình Liêu sẽ bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài khoảng 1 tháng. Dự kiến, mùa thu hoạch dong riềng năm nay, các hộ trồng dong riềng ở Húc Động sẽ bán cho các xưởng sản xuất miến với giá dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg. Còn giá miến khô sản xuất tại Húc Động sẽ dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg.