Dù còn nhiều khó khăn, thôn vùng cao Pác Củng đang từng bước đổi thay

Vượt chừng mười bảy km từ trụ sở xã Thượng Nông (Nà Hang, Tuyên Quang) chúng tôi tới thôn Pác Củng, thôn còn nhiều khó khăn nhất của xã vùng cao này. Quần tụ trong một thung lũng nhỏ là 12 hộ gia đình đồng bào dân tộc Dao và 29 hộ gia đình đồng bào Sán Chí. Những ngôi nhà thấp thoáng dưới tán cây tạo nên một cảm giác thanh bình giữa bạt ngàn của núi rừng.

Trong ngôi nhà sàn gỗ 5 gian, Trưởng thôn Trần Văn Lên cho biết, năm 1985, bảy gia đình, những cư dân đầu tiên chuyển từ huyện Vị Xuyên (Hà Giang) về đây lập nên thôn Pác Củng ngày nay. Ðất lành, người dân an cư, nên cùng sự phát triển về mọi mặt của đời sống, con người cũng sinh sôi, đến nay thôn đã có 234 nhân khẩu.

Là thôn vùng cao, cho nên những năm trước cuộc sống của người dân Pác Củng gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp. Vài năm trở lại đây, nhất là khi thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ giai đoạn 2003-2008, Pác Củng được đầu tư gần hai tỷ đồng để mở 10,3 km đường giao thông (năm 2009 tiếp tục được đầu tư từ dự án đa dạng hóa thu nhập nông thôn mở thêm 1,1 km) thì cuộc sống của người dân đã từng bước đổi thay, hàng hóa được lưu thông, khoảng cách về địa lý với xã, với huyện đã ngắn lại nhiều. Từ đó nếp nghĩ, cách làm ăn cũng mới. Toàn thôn giờ đã có 24 xe máy, 89 con trâu, 11 con bò, hai máy xay xát và 10 ti-vi. Một trong những người năng động trong chuyện làm ăn ở thôn là anh Hoàng Càn Dấu. Anh Dấu cho biết, nhà anh có 1.000 m2 ruộng, cho nên đã thực hiện thâm canh, năm được mùa thu được bảy đến tám tạ thóc; mỗi năm nhà anh còn trồng ngô thu được gần một tấn ngô. Từ nhiều năm nay nhà anh tập trung vào việc nuôi trâu, vừa nuôi trâu sinh sản, vừa mua trâu về nuôi vỗ béo, lúc cao nhất nhà có tới chín con trâu, hiện nay còn bốn con do vừa bán. Anh nói mà như khoe, năm vừa rồi "tiêu" nhiều tiền quá, mua cái tủ tường ba buồng gỗ đinh 15 triệu đồng, mua xe máy Dream gần 21 triệu đồng, lát nền gạch hoa cũng hết gần 20 triệu đồng, mua máy xay xát hết chín triệu đồng. Tới thăm gia đình anh Hoàng Càn Chài, hai vợ chồng đều đi vắng. Bà Triệu Mùi Mủi, mẹ anh Chài cho biết, "chúng nó" đi xe máy xuống huyện từ sớm, bọn trẻ đi học. Hỏi về cuộc sống bà vui vẻ kể, nhà có năm con trâu và nuôi hai con lợn nái. Trâu là của để dành khi cần việc lớn mới bán còn lợn mỗi năm hai lứa, nuôi lớn bán lấy tiền chi tiêu. Hỏi nhà có còn gạo ăn? Bà Mủi chỉ lên gian gác, ngô, thóc kia cứ thu vụ này thì ăn vụ trước, không giàu nhưng cũng chẳng lo đói đâu. Ngay Trưởng thôn Trần Văn Lên cũng là một trong những hộ năng động làm ăn. Dù nhà ông Lên có tới bốn thế hệ cùng chung sống với 17 khẩu nhưng do biết tính toán cho nên thuộc diện có của ăn của để. Nhà ông có ba xe máy, bốn con trâu, thóc còn chừng gần bốn tạ và 40 giạ lúa nương bảo đảm lương thực tới mùa mới. Tại nhà ông Lên còn đặt một máy xay xát do chương trình phụ nữ giúp. Nhà ai trong thôn có nhu cầu xay xát thóc chỉ phải trả tiền dầu, đây là một trong những biện pháp giúp hội viên nghèo của Hội Phụ nữ huyện.

Tuy nhiên ở Pác Củng cũng còn có nhiều hộ khó khăn. Theo thống kê, hiện nay còn tới 35 hộ nghèo. Trong đó có 12 hộ với 67 khẩu dịp Tết Nguyên đán vừa qua huyện còn phải hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng. Gia đình anh Hoàng Càn Ngĩnh là một trong số đó. Anh Ngĩnh cho biết, do ba đứa con còn nhỏ, lại mới ở riêng, đến những tháng giáp hạt này nhà cũng chỉ còn hơn hai tạ thóc, tuy không đói nhưng cũng phải tính toán dành dụm mới đủ đến vụ mới. Năm 2008, anh Ngĩnh được trợ giúp sáu triệu đồng từ Chương trình 134 để làm nhà, hiện nay cả nhà được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các con anh đi học đều được cấp sách vở và không phải nộp học phí. Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nông Nguyễn Ngọc Quang cho biết, thôn Pác Củng đã có bảy hộ được trợ giúp tiền làm nhà, mỗi hộ sáu triệu đồng, tám hộ được hỗ trợ đất sản xuất, năm hộ được hỗ trợ đất ở và các hộ nghèo đều được hưởng các chính sách của Nhà nước như cấp thẻ bảo hiểm y tế, trẻ em đi học được miễn học phí, cấp sách vở.

Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng người dân nơi đây đã quan tâm tới việc học của con em mình. Hiện ở thôn có một phân hiệu của trường tiểu học. Thầy giáo Triệu Sành Thông, phụ trách điểm trường ở đây cho biết, điểm trường Pác Củng hiện có hai bậc học mầm non 14 em và tiểu học 38 em. Năm học 2008 - 2009, điểm trường được đầu tư hơn 300 triệu đồng từ dự án xây dựng lớp học cho trẻ em khó khăn để xây ba phòng học cấp 4 lợp tôn. Thực hiện Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 9 đến tháng 12-2009, các em học sinh mẫu giáo được hỗ trợ 3,9 triệu đồng, học sinh tiểu học được hỗ trợ 19 triệu đồng. Trong thôn hiện còn có chín em đang theo học THCS tại trường xã và có bảy em đã tốt nghiệp THPT.

Do diện tích đất canh tác ít, chỉ có hơn 40 ha (cả đất lúa và đất đồi), nên đời sống của người dân Pác Củng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và sự cần cù, chịu khó biết học hỏi cách làm ăn, cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày một cải thiện và tốt lên. Trưởng thôn Trần Văn Lên đã khẳng định với chúng tôi như vậy khi chia tay Pác Củng.

Bài và ảnh: Hải Chung
(Theo Báo Nhân dân)

[TT: NTV]

 In bài viết
Văn bản điều hành