Duyên Hải chuyển mình nhờ Chương trình 135

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đến thăm địa phương điển hình thực hiện Chương trình 135, đồng chí Thạch Dư, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh giới thiệu: “Các bạn nên đến Duyên Hải. Sự đổi thay ở đó đáng để các bạn ngạc nhiên đấy”...

Mô hình điểm

Xã Long Vĩnh (Duyên Hải) có 15km bờ biển, đất đai chủ yếu là đất bãi bồi ven biển cùng với rừng bần và rừng ngập mặn ngăn lũ, chống gió. Chính vì thế, trước đây, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp bấp bênh. Vào thập niên 1980, xã bắt đầu phát huy thế mạnh, áp dụng mô hình nuôi tôm, cá nước lợ và nước mặn tự nhiên. Những năm 1990, nghề nuôi tôm sú, cua biển trên ao hồ bắt đầu phát triển. Đến nay, toàn xã có 2.258ha mặt nước nuôi thuỷ sản; 2.000ha đất có khả năng trồng rừng kết hợp nuôi tôm.

Nghề nuôi tôm sú được hình thành và phát triển từ bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai vùng ven biển; Long Vĩnh đã trải qua nhiều năm tháng gian nan để khẳng định tính ưu việt của hướng đi này. Từ những mô hình sơ khai, nhỏ, lẻ của vài hộ nông dân tự phát, đến nay, xã đã có trên 1.570 hộ nuôi tôm sú, thả nuôi 71,8 triệu con giống/năm, trên diện tích mặt nước 1.345ha. Theo thống kê, có đến 80,8% số hộ nuôi có lãi.

Cùng với nghề nuôi tôm sú, những năm gần đây, cua biển cũng được nông dân quan tâm, góp phần nâng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt của xã đạt trên 1.380 tấn, giá trị sản xuất gần 60 tỷ đồng. Ở ấp Xóm Chùa, nơi có đông bà con dân tộc sinh sống, xã xây dựng hệ thống đê bao chống triều cường xâm nhập mặn, chuyển được 285ha đất nông nghiệp, đất hoang hóa sang nuôi tôm, và 250ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh mía. Toàn xã hiện có trên 100 trang trại (nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp và nuôi tôm kết hợp trồng rừng).

Bên cạnh đó, xã Long Vĩnh đã đầu tư xây dựng đường giao thông liên ấp, liên xã, chợ trung tâm bằng nguồn vốn của Chương trình 135. Nhờ đó, khoảng cách giữa các thôn, ấp được rút ngắn, điện lưới quốc gia đã có ở 6/10 ấp, bình quân 2,7 hộ có 1 giếng nước sinh hoạt...

Những đổi thay lịch sử

Không chỉ Long Vĩnh được hưởng lợi, ở Duyên Hải có rất nhiều địa phương “lột xác” nhờ Chương trình 135, góp phần mang lại diện mạo mới cho toàn huyện.

Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng được 64 công trình với tổng vốn 21,994 tỷ đồng. Các công trình đều phát huy hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân, rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo.

Những chương trình đầu tư mang tính chiến lược của Nhà nước đã góp phần rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Năm 2007, GDP của huyện tăng 15% so năm 2006, trong đó nông nghiệp tăng 13,5%, công nghiệp - xây dựng 23%, thương mại - dịch vụ 20,7%. Thu nhập bình quân đạt 11,18 triệu đồng/người/năm; số hộ dân sử dụng điện chiếm 82,44%, 100% số xã - thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, phần lớn các ấp, khóm có đường giao thông thông suốt trong 2 mùa mưa, nắng; 100% số hộ có nước sạch sử dụng.

Để phát huy những kết quả đạt được, sớm đưa Duyên Hải ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010, ông Lê Trọng Vũ, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2008 và những năm tiếp theo huyện tập trung thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển đồng bộ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo.

Có thể nói, Chương trình 135 đã thổi luồng gió mới, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đảng bộ và nhân dân huyện Duyên Hải sẽ phát huy tối đa sự hỗ trợ của Chính phủ để sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện tốt công tác xoá đói, giảm nghèo.

Theo Nguyễn Thái

 In bài viết
Văn bản điều hành