Giải pháp nâng cao chất lượng công trình
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến một số công trình, dự án được đầu tư hiệu quả chưa cao. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng phải có sự phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động người dân tham gia giám sát xây dựng và quản lý các công trình.
KINH PHÍ NHỎ GIỌT, ĐẦU TƯ THIẾU ĐỒNG BỘ
Đó là ý kiến của hầu hết lãnh đạo các xã được hưởng chương trình trên địa bàn 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Ông Lê Văn Sâm, Phó bí thư Đảng ủy xã Lộc Quang huyện Lộc Ninh nói: “Nhờ Chương trình 135, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm ở Lộc Quang đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, các công trình, dự án mới chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong sản xuất và dân sinh. Đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Nhất là việc bố trí vốn chậm, nhỏ giọt nên vốn năm nay chỉ để trả nợ cho năm trước. Thiếu vốn, doanh nghiệp đầu tư cầm chừng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như chất lượng và thẩm mỹ công trình”.
Ngoài ra, việc ấn định suất đầu tư từ 1-1,5 tỷ đồng/xã đặc biệt khó khăn/năm từ Trung ương đã gây khó cho các xã trong lựa chọn công trình phù hợp với số vốn. Vì vậy, thời gian qua đã xảy ra tình trạng công trình cần đầu tư thì không đủ vốn, còn đầu tư nhỏ lẻ hiệu quả không cao. Một số dự án định canh, định cư đầu tư không đồng bộ, thiếu điện, nước sinh hoạt, trường học, đường sá đi lại khó khăn nên người dân không vào ở. Nhiều công trình, dự án đầu tư kéo dài, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Một số tuyến đường tuy đã cứng hóa nhưng không có kinh phí làm mương thoát nước nên chỉ sau một mùa mưa bị sạt lở, hư hỏng.
Nhiều nguồn vốn bố trí cho cả giai đoạn nhưng chưa tính đến biến động về giá thị trường, gây khó khăn cho các xã trong triển khai xây dựng các công trình. Đặc biệt, các công trình được phân cấp cho xã làm chủ đầu tư nhưng năng lực của cấp xã còn hạn chế nên việc đề nghị thẩm định, phê duyệt, lập hồ sơ thanh quyết toán còn chậm.
Lý giải về những hạn chế, bất cập nêu trên, đại diện Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, do nguồn vốn Trung ương bố trí chưa theo kế hoạch; việc phân bổ vốn cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015 còn mang tính bình quân, chia đều và thấp. Trong khi đó, các địa phương chưa chủ động lồng ghép các nguồn vốn nên việc thực hiện công trình, dự án bị kéo dài.
Đặc biệt, do ngân sách của tỉnh có hạn, hằng năm phân bổ không đủ nên một số công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng không được duy tu, bảo dưỡng. Việc kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án chưa thực hiện thường xuyên, liên tục dẫn đến nhiều công trình nhanh xuống cấp và người dân cầm cố, sang nhượng đất ở, đất sản xuất, nhà ở do nhà nước cấp...
CẦN ĐẦU TƯ CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM
Bà Trần Thị Bích Lệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho rằng, đồng bào DTTS ở Lộc Ninh hiện cần nhất là vốn và đất sản xuất. Nhiều dự án định canh, định cư hình thành đã giải quyết một phần khó khăn cho người dân nhưng hiệu quả không cao do đầu tư thiếu đồng bộ. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư thì cần đánh giá nhu cầu để có những chính sách đầu tư phù hợp thực tế.
Đặc biệt, cần hạn chế đầu tư, hỗ trợ trực tiếp để tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, cần nâng cao nhận thức cho người dân; tìm kiếm, thu hút những nhà đầu tư vừa có khả năng đào tạo nghề vừa sử dụng lao động địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Lộc Quang Hoàng Anh Tính nói: “Không nên duy trì việc hỗ trợ tiền điện hằng tháng mà tập trung đầu tư một công trình nào đó để đối tượng thụ hưởng rộng hơn. Khi các chương trình, chính sách được phê duyệt cần bố trí đủ vốn để thực hiện đồng bộ các nội dung, mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn vốn dự phòng để đầu tư những công trình cấp thiết ở vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống nhưng chưa được hưởng chương trình”.
Ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị, thời gian tới, các ngành chức năng có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cấp chính quyền để nắm tình hình địa phương, khảo sát nhu cầu và đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Công trình nào cấp thiết làm trước và phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các huyện, thị và các xã được hưởng tích cực kêu gọi vốn đầu tư, thực hiện lồng ghép với các chương trình khác để nâng cao hiệu quả mỗi công trình.
Các xã tăng cường kiểm tra những công trình đã xuống cấp để có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng nhằm phát huy hiệu quả lâu dài. Mục đích là làm sao mỗi công trình, hạng mục khi đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ làm thay đổi diện mạo các khu dân cư mà còn giúp đồng bào phát triển sản xuất, giảm nghèo và tăng cường, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.