Giảm nghèo về thông tin: Đưa phát thanh về bản xa
Đối với đồng bào các dân tộc sống ở các bản làng xa xôi, khu vực biên giới, ngoài các hệ thống thông tin tuyên truyền khác thì phát thanh vẫn là kênh tuyên truyền hiệu quả. Đầu tư ít tốn kém, độ phủ sóng rộng vì thế các cấp chính quyền ở Nghệ An đang chú trọng loại hình phương tiện này để đưa thông tin chính thống đến với đồng bào.
Đối với đồng bào các dân tộc sống ở vùng sâu xa, vùng biên giới bên cạnh cuộc sống còn khó khăn, đời sống tinh thần còn hạn chế, trình độ dân trí thấp, ít được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, đó là những điều kiện thuận lợi để kẻ thù lôi kéo và dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số vào ý đồ phản động của chúng. Vì vậy công tác tuyên truyền, đặc biệt tuyên truyền bằng hệ thống phát thanh có vai trò quan trọng. Thực tế nhờ hệ thống phát thanh mà đời sống nhân dân có nhiều thay đổi, các chính sách của Nhà nước, những mô hình phát triển kinh tế được bà con áp dụng làm theo..
Ông Vi Văn Phước, dân tộc Thái ở bản Chàm, xã biên giới Hạnh Dịch, huyện Quế Phong cho biết: Vì bản sống trong vùng lõm trong rừng sâu nên sóng ti vi không có vì vậy đa số người dân trong bản đều phải dùng radio để nghe thông tin .“Tôi rất thích nghe đài, bởi ở nhà hay đi làm nương làm rẫy cũng nghe được mọi thông tin trên thế giới cũng như ở trong nước. Nghe để học theo cách làm ăn, để biết được kỹ thuật chăn nuôi, biết được các chính sách pháp luật của Nhà nước…
Theo ông Phước dùng đài radio nghe được rất nhiều chương trình đặc biệt khi được nghe các chương trình bạn của nhà nông hay các chương trình ca nhạc bằng tiếng Thái, các điệu khắp, nhuôn, xuối Thái làm ông như được đắm mình trong những bài dân ca Thái trên đài
Một thực tế là trên những bản làng hẻo lánh vùng sâu vùng xa, nơi các loại hình báo in, báo mạng, báo hình khó hiện diện, thì phát thanh trở thành kênh thông tin hữu ích cho bà con. Thông qua làn sóng phát thanh, đồng bào vẫn có thể tiếp nhận thông tin trên mọi lĩnh vực một cách nhanh chóng và đầy đủ.. Phương tiện để tiếp nhận thông tin cũng chỉ là chiếc radio nhỏ bé, thao tác đơn giản để bật và dò tìm kênh. Rẻ tiền và tiện dụng chính là lý do để phát thanh càng gần gũi, thân thiết hơn với đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, thông qua làn sóng phát thanh các chương trình phát thanh tiếng dân tộc đã đến được với người dân vùng cao. Khi đồng bào nghe nội dung tuyên truyền bằng chính ngôn ngữ của mình thì sẽ hiểu và tin thì sẽ có sức cuốn hút, thúc giục hành động, tạo nên sức mạnh trong cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định, an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn khu vực vùng sâu xã, vùng biên giới.. .
Ông Lữ Đình Thi, Bí thư huyện ủy huyện Quế Phong cho biết: huyện Quế Phong có 3 xã biên giới là nơi sinh sống của đồng bào người Mông, Thái, Khơ Mú.. Đối với đồng bào sống ở khu vực này thì thông tin là rất quan trọng, không chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu nghe nhìn và học hỏi của bà con mà còn có vai trò định hướng và cổ vũ để bà con một lòng theo Đảng, hăng say lao động sản xuất, bảo vệ an toàn vùng biên giới. Vì vậy chính quyền huyện luôn quan tâm tới lĩnh vực thông tin tuyên truyền, hàng năm huyện vẫn trích một phần ngân sách để hỗ trợ cho các bản làng khu vực này mua sắm đài radio cũng như sữa chữa các trạm thu phát nhằm đảm bảo thông tin không bị đứt quảng…Tuy nhiên, theo ông Thi người dân tại một số xã vùng cao, biên giới hiện nay, phát thanh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của bà con, bởi chất lượng phát ở nhiều nơi, nhất là ở những vùng lõm còn thấp. Vì vậy, bà con mong muốn trong thời gian tới điều này cần được cải thiện để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu nghe phát thanh của đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa.
Ông Lê Minh Thông, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Khu vực miền núi của tỉnh hiện còn 1.200 thôn, bản thuộc những xã khó khăn nằm sát biên giới Việt – Lào, còn 207 điểm bản chưa có điện lưới, những nơi không có thủy điện nhỏ thì hầu như đồng bào chưa xem được truyền hình.
Để tăng cường thông tin cho đồng bào ở khu vực khó khăn vùng biên giới, UBND tỉnh Nghệ An, đã hỗ trợ 2.000 chảo thu vệ tinh cho hộ nghèo sống ở khu vực này. Thời gian tới dựa trên tình hình cụ thể tỉnh sẽ có chính sách đầu tư tiếp theo với mục đích là để đồng bào tiếp cận được các thông tin chính thống một cách hiệu quả nhất góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội khu vực miền núi vùng biên giới…