Giúp đồng bào nghèo vùng khó khăn thoát nghèo: Cần cụ thể và sát thực tế
Là những địa phương đã nỗ lực triển khai các mục tiêu của Chương trình 134-135 và đạt được một số kết quả nhất định, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), tỉnh Bình Phước và tỉnh Quảng Ngãi đã từng bước giúp đồng bào nghèo trong địa bàn thoát nghèo, tự vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống. Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi ngắn với lãnh đạo của các địa phương trên về những kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả các chương trình này.
Huyện Mèo Vạc (Hà Giang), tuy còn gặp nhiều khó khăn và có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống nhưng lại là 1 trong những địa phương triển khai tốt Chương trình 134-135; đồng thời là 1 trong 7 địa phương được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình này.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc ông Sùng Mí Thề cho biết, Chương trình 134-135 là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, được đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mèo Vạc rất ủng hộ.
Huyện Mèo Vạc đã triển khai Chương trình 134-135 xuống cơ sở thôn, bản với chủ trương minh bạch, dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm. Ngoài nguồn vốn của Trung ương, huyện đã huy động nguồn nhân lực tại chỗ. Như về hỗ trợ nhà ở, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn huyện đã huy động cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội đóng góp ngày công lao động, vật tư để xây dựng nhà cho đồng bào dân tộc nghèo. Đồng thời huyện tích cực tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thấy rõ trách nhiệm của mình trước sự giúp đỡ của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Sùng Mí Thề, khó khăn đối với huyện Mèo Vạc chính là việc hỗ trợ đất sản xuất. Mèo Vạc không có nhiều đất nông nghiệp. Vì vậy, huyện đã vận động những hộ dân có đất nhiều san sẻ cho những hộ không có đất để cùng nhau tăng gia sản xuất.
Bình Phước là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện được cả 4 mục tiêu của Chương trình 134, bao gồm về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt. Ông Huỳnh Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, để triển khai tốt chương trình 134-135, vấn đề đặt ra đầu tiên là phải thống nhất quan điểm chỉ đạo của Trung ương về mục tiêu giảm nghèo cho đồng bào dân tộc; chỉ đạo các huyện, xã bình chọn đúng đối tượng để đưa vào thụ hưởng từng chính sách của chương trình. Bên cạnh đó là quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đinh Thị Loan - Ảnh: Chinhphu.vn
|
Ngay từ khi thực hiện chương trình, tỉnh đã bố trí 20% vốn đối ứng của địa phương để thực hiện các mục tiêu của chương trình. Công tác tuyên truyền vận động được tỉnh đặc biệt chú ý để người dân hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cho đến nay, Bình Phước đã hỗ trợ nhà ở cho hơn 2.500 hộ, đạt 100% kế hoạch, hỗ trợ đất ở cho gần 2.600 hộ, đạt 100% kế hoạch…
Tại Quảng Ngãi, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan, tỉnh đã xác định cụ thể ngay từ đầu mục tiêu của chương trình để nhanh chóng triển khai, đồng thời chú trọng đến khâu chỉ đạo và tổ chức thực hiện, có sự phối hợp từ tỉnh đến thôn, bản để kịp thời giải quyết ngay những vướng mắc.
Công tác hỗ trợ nhà ở cho người nghèo nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là việc làm hết sức bức thiết mà nhiều năm qua tỉnh còn gặp khó khăn chưa giải quyết được. Khi có Chương trình 134, tỉnh đã xác định nội dung xóa nhà tạm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó khăn về nhà ở là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu để đảm bảo ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn.
Kiều Liên (thực hiện)
(Nguồn: Website Chính phủ)
[TT: N.T.V]