Giúp nông dân Sró thoát nghèo

Sró là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kông Chro với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 54%. Những mô hình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và nông dân triển khai trên địa bàn trong thời gian qua của dự án IFAD đã và đang đem lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều người dân nơi đây.

Ruộng rẫy ít, đông con, lại chỉ quen canh tác theo nếp cũ nên sau bao năm, gia đình anh Đinh Bech (làng Kươk) vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Sró. Năm 2015, khi dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Gia Lai do Quỹ Nông nghiệp Quốc tế (gọi tắt là IFAD) tài trợ được triển khai về tận thôn làng, anh Bech đã đăng ký tham gia. “Nhà mình có ruộng rẫy nhưng không có vốn, không biết cách làm nên hiệu quả kinh tế không cao. Dự án hỗ trợ vốn, kiến thức chăm sóc, bán được sản phẩm thu hoạch với giá cao nên mình tin tưởng lắm”-anh Bech nói.

Nhóm của anh Đinh Bech có 11 thành viên do anh Đinh Pdích làm trưởng nhóm. Pdích mới 30 tuổi nhưng rất năng động và có tư duy làm ăn mới mẻ. Anh cùng cán bộ thôn, xã và Ban Quản lý dự án tới từng nhà thuyết phục và động viên mọi người tham gia. “Bà con mình lâu nay sống an phận, chỉ cần không để cái bụng đói là hài lòng rồi, vậy nên mới nghèo. Mình không muốn thế, mà muốn mọi người trong làng có cuộc sống khấm khá hơn. Không chỉ no cái bụng, ấm cái thân mà con cháu phải được đi học”-anh Pdích nói. Nhờ sự kiên trì và lòng nhiệt huyết của anh, nhóm nuôi bò lai ở làng Kươk được thành lập và được hỗ trợ 119 triệu đồng. “Đợt 1 nhóm mình được nhận về 52 triệu đồng. Mọi người bàn bạc và thống nhất mua 3 con bò cái sinh sản về nuôi và trồng 2 sào cỏ VA06. Nhà Đinh Ắt, Đinh Thị Púp và Đinh Bech nghèo nhất nên được ưu tiên nuôi trước, khi nào bò sinh ra bê thì được giữ lại nuôi làm vốn, còn bò mẹ chuyển qua cho hộ khác chăm sóc. Con bò nhà Bech mới sinh được hơn một tháng rồi, anh em trong nhóm ai cũng mừng cho anh ấy”-anh Pdích phấn khởi khoe.

Không nuôi bò theo kiểu được chăng hay chớ như trước, nay bà con được hỗ trợ kiến thức chăm sóc, phòng trị bệnh một cách chu đáo, khoa học. “Trước đây, bà con nuôi bò chỉ biết chăn thả tự nhiên, giờ được hướng dẫn nuôi nhốt kết hợp chăn thả khi có điều kiện, trồng cỏ làm thức ăn, phân bò gom giữ lại, khi bò đau yếu phải tiêm thuốc. Từ tay trắng mình đã có một con bê, mình sẽ cố gắng chăm sóc, nó sẽ là nguồn vốn bước đầu của mình”-anh Đinh Bech chia sẻ. Ở làng Kươk, ngoài nhóm nuôi bò do anh Pdích làm trưởng nhóm còn 2 nhóm CIG khác, một nhóm nuôi bò sinh sản và một nhóm trồng bắp lai. “Các hộ tham gia dự án ai cũng rất phấn khởi vì không chỉ được hỗ trợ nguồn vốn mà còn được học hỏi kỹ năng sản xuất hữu ích để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”-anh Pdích cho biết.

Tương tự ở làng Kươk, hộ nghèo ở làng Sró tham gia dự án cũng hăng hái, nhiệt tình không kém. Làng Sró xây dựng được 3 nhóm CIG, trong đó có 2 nhóm nuôi bò sinh sản và 1 nhóm trồng bắp lai. “Nhóm mình có 19 thành viên, được dự án hỗ trợ 120 triệu đồng đầu tư trồng 15 ha bắp lai. Bà con được tư vấn trồng các giống bắp lai cho năng suất cao như: Bioxit 9698, Bioxit 888… Riêng vụ đầu cả nhóm bán bắp thu về 70 triệu đồng. Số tiền này, các hộ thành viên trong nhóm sẽ đầu tư vụ tiếp theo”-Trưởng nhóm Đinh Blei (làng Sró) cho biết.

Tham gia nhóm trồng bắp lai, bà con ngoài được hỗ trợ vốn còn được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc để đạt hiệu quả canh tác cao. “Trước đây bà con không nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc nên bắp đạt năng suất rất thấp. Hơn nữa, bà con có đất nhưng không có vốn nên phải mua nợ giống, vật tư của các đại lý trong làng với giá cao, sau khi thu hoạch trả nợ lời lãi không bao nhiêu. Giờ dự án giới thiệu một số doanh nghiệp lớn trên thị trấn bán vật tư đúng với giá thị trường, lại thu mua sản phẩm cao hơn hẳn đại lý trong làng 20-30% nên bà con lãi hơn”-anh Blei chia sẻ.

Có thể thấy, dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Gia Lai đã và đang làm nhiều điều hữu ích cho nông dân xã Sró. “Không chỉ giải quyết bài toán về vốn sản xuất mà quan trọng, dự án đã tạo ra được những kỹ năng và lối làm ăn, tư duy sản xuất tiến bộ, tích cực cho người nghèo. Với nhiều người, đây có thể chưa là cái gì to tát nhưng thực ra nó có ý nghĩa rất lớn với bà con vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhận thức và trình độ sản xuất hạn chế. Vì vậy dự án thực sự là người bạn đồng hành ý nghĩa giúp họ vươn lên thoát nghèo và xa hơn nữa là có thể làm giàu”-ông Phạm Hữu Thắng-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sró, đồng thời là cán bộ hỗ trợ dự án tại địa bàn xã Sró đánh giá.

 In bài viết
Văn bản điều hành