Góp sức cùng bà con biên giới
Mô hình giúp dân phát triển của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Quảng Trị được xem là cách làm độc đáo và hiệu quả nhất trong Chương trình xây dựng NTM ở miền núi.
Những mô hình hiệu quả
Đại tá Lê Xuân Thắng, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, cho biết, vinh dự của Đoàn là được đứng chân trên địa bàn biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, thuộc 5 xã dân tộc ít người phía Bắc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tổ chức lại dân cư, giúp dân xóa đói giảm nghèo và bảo vệ An ninh - Quốc phòng, tạo yếu tố cơ bản để thúc đẩy phát triển KT-XH.
Hằng năm, Đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành địa phương, đầu tư xây dựng mô hình điểm về xóa đói giảm nghèo, lồng ghép dự án Kinh tế - Quốc phòng của đơn vị với các chương trình phát triển KT-XH của địa phương, đẩy mạnh tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Đoàn đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái, phục hồi và bảo tồn, phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Ông Thắng cho biết, muốn bà con ổn định cuộc sống, vấn đề đầu tiên là phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát kỹ đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, các loại cây con của 5 xã Bắc Hướng Hóa để lựa chọn mô hình phát triển phù hợp.
Quá trình thực hiện phải kiên trì nhẫn nại, đi từ dễ đến khó, phải kết hợp mô hình trực quan để đồng bào mắt thấy, tai nghe rồi tin tưởng làm theo.
Đầu tiên là phải đảm bảo lương thực cho người dân đủ ăn. Những chân ruộng giữa các thung lũng lâu nay bà con cũng làm lúa nước nhưng không bón phân, gieo trồng tự nhiên nên năng suất thấp.
Đoàn đã chỉ đạo đội SX làm mẫu hướng dẫn cho dân biết từ khâu làm đất, gieo hạt giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa tăng gấp đôi.
Mô hình được nhân rộng khắp 5 xã, năng suất lúa tăng từ 2,3 tấn lên đến 4,7 tấn/ha trên tổng diện tích hơn 820 ha. Từ đó bà con dần dần ổn định được lương thực hằng ngày nên chú tâm phát triển kinh tế, tính dần đến chuyện giảm nghèo.
Trong mô hình giảm nghèo, Đoàn phối hợp với già làng, trưởng bản khảo sát kỹ các hộ nghèo sau đó đầu tư giảm nghèo. Các hộ phải có cam kết vươn lên thoát nghèo, được hỗ trợ vốn ban đầu 7 triệu đồng/hộ, các đội SX của Đoàn chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống, phân bón cho bà con SX.
Bà con trong vùng dự án làm vườn ươm giống cây trồng rừng
Bà Hồ Thị Oi ở thôn Cù Bai (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) cho biết nhờ bộ đội giúp đỡ mà dân bản đã làm được đập nước A Lai để phục vụ tưới tiêu 3 ha lúa nước, cho năng suất cao. Mô hình này đã mang đến cho hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thoát nghèo bền vững.
Khi có cơm ăn hằng ngày bà con no cái bụng, Đoàn lại hướng dẫn cho bà con nuôi bò lai sind phát triển kinh tế. Địa bàn rộng, có nhiều đồi núi, đồng cỏ nên chăn nuôi gia súc, nhất là bò ở 5 xã này rất phù hợp.
Cái gì cũng phải cho bà con mắt thấy tai nghe để làm theo. Đoàn xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, phối hợp với Cty CP Giống gia súc Thanh Hóa cung cấp bò lai sind làm mô hình cho bà con học hỏi kinh nghiệm.
Tiếp tục, Đoàn chọn các hộ nghèo, có sức lao động nhưng thiếu vốn để cấp bò và tạo điều kiện cho bà con nuôi. Từng hộ cam kết sau khi bò sinh bê thứ nhất được một năm thì giao bê này cho hộ khác, từ con thứ 2 gia đình được hưởng toàn bộ. Đến nay, trong 5 xã đã có gần 4.700 con bò của chương trình.
Để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững, Đoàn hướng dẫn cho dân trồng rừng với các loại cây keo, tràm... với gần 2.000 ha rừng được trồng mới, trong đó vận động nhân dân trồng gần 700 ha, bảo vệ gần 8.000 ha rừng tự nhiên, góp phần nâng độ che phủ rừng trong khu Kinh tế - Quốc phòng lên đến 34,2%.
Nhưng chỉ trồng rừng thì mất từ 5 - 7 năm mới khai thác được nên để có tiền phục vụ cuộc sống hằng ngày, Đoàn lại hướng dẫn cho bà con làm mô hình trồng cây dong riềng. Đây là loại cây thích nghi cao với điều kiện ngoại cảnh, chịu hạn, chống chọi tốt các loại sâu bệnh, trồng được trên nhiều loại đất.
Bắt tay chỉ việc, Đoàn cho trồng thí điểm ở các đội SX, vận động bà con nhận thấy được cái lợi của việc trồng cây dong làm miến bán ra thị trường. Sau đó, Đoàn hỗ trợ giống, phân bón cho các hộ trồng cây dong riềng. Đến kỳ thu hoạch, Đoàn đứng ra giúp bà con thu mua tại ruộng nên bà con phấn khởi.
Củ dong riềng được chế biến SX thành sản phẩm “miến dong Trường Sơn” nổi tiếng. Trồng dong riềng mỗi ha thu về từ 45 - 60 triệu đồng/năm, giúp bà con cải thiện cuộc sống.
Chú trọng nông nghiệp, nông thôn
Đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính ủy Đoàn 337, khẳng định trọng tâm của chương trình là phát triển nông nghiệp - nông thôn, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn.
Mô hình nuôi bò phát triển kinh tế
Để có kết quả tốt, Đoàn phối hợp với Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) và địa phương khảo sát tổng thể khu Kinh tế - Quốc phòng gắn với Quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2012-2020. Phối hợp với Trung tâm Điều tra Quy hoạch, thiết kế Nông - Lâm tỉnh Quảng Trị xây dựng kế hoạch trồng rừng vành đai biên giới.
Theo ông Đấu, các dự án khuyến nông, khuyến lâm, khai hoang, cải tạo đồng ruộng, trồng mới 5 triệu ha rừng, phát triển giao thông, thủy lợi... đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Đoàn đã sắp xếp dân cư nội vùng cho hàng trăm hộ, thành lập mới Làng Thanh niên lập nghiệp ở thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng, ổn định trên 10 điểm dân cư, mỗi điểm có từ 15 - 17 hộ, bố trí, sắp xếp xây dựng thôn bản biên giới, chống xâm canh, xâm cư.
Trong vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, Đoàn đã trực tiếp tư vấn giúp địa phương xây dựng khu nguyên liệu cà phê ở 2 xã Hướng Phùng, Hướng Việt, thâm canh trồng lúa nước, làm trang trại nuôi gia súc ở xã Hướng Sơn, phối hợp với xã Hướng Việt thực hiện thí điểm kế hoạch xây dựng NTM và mô hình khai hoang đất trống, đồi trọc trồng đối chứng cây cà phê Ca-ti-mo để nhân rộng ra địa bàn.