Hà Quảng xây dựng nông thôn mới
Những con đường bê-tông liên xã, liên thôn, trải dài qua những bản làng, nhà cao tầng mọc lên ở các thôn, xóm, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả..., là những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện biên giới Hà Quảng (Cao Bằng). Vượt qua những thách thức, khó khăn của huyện vùng cao biên giới, Hà Quảng đã lựa chọn hướng đi phù hợp điều kiện thực tế, nâng dần mức sống của bà con các dân tộc nơi đây.
Giới thiệu một số mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả
trong thôn Pác Bó, xã Trường Hà, Bí thư chi bộ Nông Thị Dung bày tỏ, người dân
thôn Pác Bó tự hào là mảnh đất truyền thống, nên khi cấp ủy và đại diện các tổ
chức đoàn thể vận động bà con chung tay xây dựng nông thôn mới, luôn nhận được
sự đồng tình, ủng hộ. Hầu như các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật
trồng mận, đào cảnh, mía, ngô lai, đỗ xanh; chăn nuôi gà, lợn đều được bà con
nơi đây học tập và làm theo. “Người trước làm tốt rồi hướng dẫn người sau. Cứ
thế, bà con bảo nhau, mách nhau cách làm kinh tế” - đồng chí Nông Thị Dung chia
sẻ.
Đất nông, lâm nghiệp của Trường Hà chiếm hơn 91%, với
bốn dân tộc anh em là Tày, Nùng, Mông, Kinh cùng sinh sống, đây là xã đặc biệt
khó khăn của huyện Hà Quảng. Do vậy, thời điểm bắt tay xây dựng nông thôn mới
cách đây khoảng năm năm, thiếu nguồn vốn để xây dựng các công trình công cộng,
chưa có mô hình sản xuất hàng hóa hoạt động hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
còn chậm, người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, canh tác nhỏ lẻ... Trường Hà
là một trong hai xã của tỉnh Cao Bằng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới,
nhưng kinh nghiệm trong huy động toàn dân thực hiện các tiêu chí về xây dựng
nông thôn mới cũng được ghi nhận và chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Trường Hà Đàm Văn Trường cho biết, khi
Trường Hà được tỉnh chọn làm điểm nông thôn mới, cái khó ban đầu là thay đổi nếp
nghĩ, thói quen của người dân. Đây được coi là “chìa khóa” tháo gỡ khó khăn.
Triển khai các cuộc vận động, UBND xã cử cán bộ xã, thôn tham gia các lớp tập
huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, để truyền đạt đến
người dân. Khi thực hiện, cán bộ xã, nhất là cán bộ chủ chốt tiên phong làm
trước. Trong đó, Bí thư Đảng ủy xã phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm. Chủ
tịch UBND xã mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Nhờ đó, từng bước tại Trường Hà
đã hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, chuyển đổi sang chăn nuôi, mang lại
lợi nhuận từ 80 đến 120 triệu đồng/năm; nâng giá trị sản xuất trên diện tích đất
canh tác lên 56 triệu đồng/ha/năm. Trong bốn năm, xã đã huy động được hơn 4.200
ngày công tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển các mô hình sản xuất; dọn
sạch đường thôn xóm… Không có điều kiện thuận lợi như xã Trường Hà, xã Quý Quân
có đặc thù với hai vùng rõ rệt, trong đó sáu xóm trên núi cao và năm xóm vùng
thấp. Hơn 50% số người dân tộc Mông, Dao, còn lại là Tày, Nùng. Tỷ lệ hộ nghèo
có lúc lên hơn 79%. Sáu xã trên núi đều thuộc diện hưởng trợ cấp từ Chương trình
135. Do đó, xã Quý Quân chọn cách xây dựng nông thôn mới dựa trên thực lực của
người dân như lựa chọn những tiêu chí khả thi làm trước, triển khai chương trình
nông thôn mới lồng ghép với các chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật và
quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, được tổ chức tại trụ sở xã hoặc
ở chi bộ thôn, xóm. Mỗi năm xã chọn những công trình, việc làm cụ thể để thực
hiện. Nhờ đó, bà con xóm Nà Pò - Khuổi Luông có con đường sạch đẹp, chuồng trại
chăn nuôi đã di dời khỏi gầm sàn nhà ở. Năm tuyến đường giao thông nông thôn Nà
Pò - Khuổi Luông, bản Láp 1, bản Láp 2, đường qua khu dân cư Tàng Lừa, Khuổi
Luông đã hoàn thành… Chủ tịch UBND xã Quý Quân Triệu Việt Cường cho biết, việc
phân công cán bộ xã phụ trách xóm, mỗi tháng lên xóm một lần, nắm bắt thông tin
hai chiều; duy trì giao Ban Bí thư chi bộ và trưởng xóm, đã góp phần tích cực
đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các phần việc. Xóm Tềnh Cà Lừa, nơi 100% số người
Mông sinh sống vừa làm xong đoạn đường đầu tiên lên núi, dài gần 500 m, trong đó
ông Sùng Văn Lầu, người uy tín của xóm đã hiến hơn 200 m2 đất làm đường. Nhờ vậy,
xã Quý Quân đã đạt bảy trong tổng số 19 tiêu chí.
Nhiều cấp ủy cho rằng, thành công trong xây dựng nông
thôn mới là nhờ tính dân chủ, minh bạch trong huy động vốn đầu tư xây dựng. Các
khoản đóng góp từ nhân dân đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Có vốn đến đâu làm
đến đó, tránh tình trạng “tiền trảm, hậu tấu” thành ra hạng mục nào cũng dang dở,
ảnh hưởng dân sinh, dễ phát sinh thắc mắc, khiếu kiện, nhất là phải thực hiện
trên nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi. Tuy
nhiên, thực tế xây dựng nông thôn ở địa phương có đường biên giới khá dài, cư
dân thưa thớt, cũng vấp phải nhiều khó khăn. Một số thôn vẫn có tư tưởng trông
chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách. Chất lượng quy hoạch xây dựng nông
thôn mới còn hạn chế, chưa sát điều kiện của địa phương. Việc gắn kết quy hoạch
nông thôn mới với phát triển sản xuất, thủy lợi, giao thông… chưa đồng bộ.
Cho đến nay, huyện Hà Quảng đã tận dụng các lợi thế để
chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao mức thu nhập của người dân. Bí
thư Huyện ủy Hà Quảng Bế Đăng Khoa chia sẻ, Hà Quảng tập trung phát triển các
cây, con mũi nhọn, phù hợp đặc điểm từng địa phương theo công thức ba cây- hai
con. Do đó, một số mô hình như trồng thuốc lá chất lượng cao ở Xuân Hòa, Phù
Ngọc, Đào Ngạn… được áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cho năng suất đạt 24 đến 30
tạ/ha, tăng thêm từ 13 đến 18 triệu đồng/ha, được doanh nghiệp ký kết bao tiêu
sản phẩm. Chương trình sản xuất ngô hàng hóa tại xã Nội Thôn; phát triển đàn bò,
lợn đen tại xã Thượng Thôn… đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn cách làm truyền
thống.
Tiếp tục mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
hiện đại hóa nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Hà Quảng đã định
hướng cho những năm tiếp theo là duy trì cơ cấu ba cây- một con + dịch vụ, nâng
cao chất lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa. Huyện phấn đấu đến năm 2020, giá
trị sản xuất/ha gieo trồng đạt 34 triệu đồng, mở rộng diện tích các loại cây
trồng mũi nhọn và độ che phủ rừng, để mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên,
thu nhập đạt 15 triệu đồng/người/năm. “Việc tiếp tục tập trung nâng cao chất
lượng các cây trồng mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng nhanh giá trị
trong sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi, là hướng đi phát triển sản xuất ổn
định, từng bước nâng cao đời sống của nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền
vững”, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Mạc Văn Nheo nhấn mạnh đến cơ hội trong
xây dựng nông thôn mới nơi vùng cao biên giới này.