Hiệu quả từ việc trợ giúp pháp lý cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ở Quảng Ninh
Qua điều tra, khảo sát ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh chỉ có 35% nông dân hiểu biết tương đối đầy đủ về các lĩnh vực pháp luật có liên quan đến đời sống và tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó hiểu biết về Luật dân sự 36%; luật đất đai 59%; Luật Hôn nhân gia đình 50%; Luật Hình sự và tố tụng hình sự 25%; luật khiếu nại, tố cáo 31%... Những nội dung pháp luật trên được tuyên truyền thông qua các hình thức như sinh hoạt Câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ Hội, thi pháp luật, đọc sách báo và các phương tiện truyền thông khác…
Quảng Ninh là tỉnh biên giới phía Đông Bắc của tổ quốc. Nông dân Quảng Ninh chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, trồng cây lâm nghiệp, cây đặc sản… Toàn tỉnh hiện có trên 80 ngàn hội viên, chiếm 78,5% số hộ nông dân. Trong những năm qua, đời sống của bà con nông dân trong tỉnh có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên khả năng tiếp cận pháp luật của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Vấn đề cơ bản hiện nay là khi có vướng mắc pháp luật hoặc tranh chấp, nông dân thường tự tìm cách giải quyết hoặc nhờ đến chính quyền, đoàn thể can thiệp. Có những mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời vì vậy thường gây xung đột ngầm chỉ chờ cơ hội là bùng phát. Do đó, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh xác định phải nâng cao kiến thức pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân.
Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan như Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên-môi trường, Thanh tra tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho hội viên thông qua các luật như Luật đất đai, Luật khiếu nại - tố cáo, Luật Hôn nhân - gia đình…
Cụ thể Hội đã phố hợp với ngành tư pháp thành lập 17 Câu lạc bộ pháp luật nông dân, mỗi Câu lạc bộ có từ 30-40 thành viên tham dự. Hội hỗ trợ mỗi Câu lạc bộ một tủ sách pháp luật bao gồm sách về Luật đất đai, Luật khiếu nại, tố cáo; Luật hôn nhân - gia đình, Luật bảo vệ môi trường, Bộ luật dân sự, Bộ Luật hình sự, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng, Luật bình đẳng giới… Đồng thời Hội còn phối hợp in hàng ngàn tờ gấp tuyên truyền nội dung về Luật đất đai, Luật khiếu nại, tố cáo… các vấn đề liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn…
Một trong những nội dung chính của chương trình phối hợp là công tác trợ giúp pháp lý lưu động cho cán bộ, hội viên, nông dân. Theo kế hoạch, hàng năm, Hội tổ chức từ 14-15 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 70-80 xã, phường, thị trấn cho hàng ngàn cán bộ, hội viên, nông dân. Thông qua việc giải đáp, tư vấn pháp luật cho bà con, có thể thấy đây là phương pháp đem lại hiệu quả thiết thực, được bà con tin tưởng, các cấp, các ngành khuyến khích, ủng hộ. Hoạt động này đã đến được với bà con nông dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… tạo điều kiện cho những người dân không có khả năng về kinh tế, phương tiện đi lại, được tiếp cận, giúp đỡ về pháp luật, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện. Đồng thời, qua trợ giúp pháp lý, cán bộ Hội cũng nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc, nhận thức và chấp hành pháp luật, nhu cầu cần tư vấn của người dân để kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng, với chính quyền các cấp có biện pháp khắc phục.
Có một điều dễ nhận thấy là ở những địa phương đã được trợ giúp pháp lý, trình độ nhận thức pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt. Những mâu thuẫn phát sinh thường được giải quyết ngay tại cơ sở, tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp giảm đáng kể, mối quan hệ cộng đồng, làng xóm ngày càng trở nên gắn bó, không có “điểm nóng” trên địa bàn.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với ngành Thanh tra trao đổi, thảo luận về cách xử lý đơn thư khiếu kiện sao cho hợp tình, hợp lý trước khi trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ngành Thanh tra còn cung cấp tài liệu, giảng viên cùng Hội tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho cán bộ cơ sở, chi, tổ Hội…
Trong 5 năm, Hội Nông dân và các ngành Tư pháp, Thanh tra, tài nguyên - môi trường đã tổ chức 9.668 buổi tuyên truyền pháp luật cho 628.549 lượt cán bộ, hội viên tham dự. Tổ chức 62 lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai, luật khiếu nại, tố cáo cho 3.335 lượt cán bộ, hội viên, nông dân ở 29 cơ sở thuộc 12 huyện, thị, thành phố tham dự; tổ chức 3 lớp tập huấn cho 210 cán bộ chi, tổ Hội ở vùng biên giới, vùng khó khăn về công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Tỉnh Hội còn phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn cho 607 cán bộ cơ sở, huyện Hội chủ chốt, cán bộ chuyên trách về các bộ Luật. Ngoài ra, Hội Nông dân các huyện, thị, thành cũng phối hợp với các ngành cùng cấp tổ chức 68 lớp tập huấn cho 3.020 lượt cán bộ cơ sở Hội học tập các nội dung về công tác Hội, các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
Bằng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là chú trọng công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý lưu động, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã đến được với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đảm bảo tiêu chí “không còn vùng trắng” trong hỗ trợ pháp lý cho người dân. Qua đó, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn nông thôn, đồng thời ngày càng nâng cao nhận thức mọi mặt cho hội viên.
PV