Hiệu quả từ vốn vay chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Yên Bái
Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hơn 46% số hộ ở Yên Bái thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ yếu sống ở nông thôn. Vì vậy, xoá đói giảm nghèo và an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh Yên Bái đặt ra trong phát triển kinh tế xã hội.
Năm 2002, sau khi Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, nhiều chương trình, dự án cho vay vốn ưu đãi đã được triển khai và mang lại lợi ích cho hàng chục nghìn hộ dân. Đồng thời, góp phần thiết thực vào công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Từ năm 2008, gia đình ông Hoàng Văn Cửu – dân tộc Tày, ở thôn Khe Ba Ba, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được tiếp cận nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Chấn là 15 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này, ông Cửu quyết định đầu tư xây dựng ao nuôi, mua giống để mở rộng diện tích nuôi thả ba ba của gia đình.
Năm 2013, ông Cửu đã trả được số nợ cũ và tiếp tục được tạo điều kiện, hướng dẫn làm các thủ tục để vay số tiền lớn hơn là 30 triệu đồng mở rộng sản xuất. Đến nay, diện tích ao nuôi ba ba nhà ông Cửu đã lên tới 500 mét vuông, số lượng 400 - 500 con, 100 con ba ba đẻ, có thể tự chủ trong cung ứng giống ba ba trong sản xuất. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, nguồn lãi từ ao nuôi ba ba nhà ông Cửu đạt hơn 100 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Cửu cho biết, vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp hộ gia đình làm kinh tế vừa và nhỏ phát triển sản xuất. Lãi suất thấp tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phát huy hiệu quả kinh tế.
Xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có hơn 2.000 hộ dân; trong đó, tới 63% các hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày. Từ khi triển khai chính sách vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, các hội, đoàn thể trong xã tích cực, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Chấn để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả.
Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều hộ dân trong xã phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Thượng Bằng La xuống mức thấp và đưa địa phương trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.
Ông Hoàng Đình Mưu, Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết, những năm gần đây, các hội đoàn thể được đứng ra ký ủy thác, giúp người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi. Vốn vay này ưu tiên dành cho người dân thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo và trong năm 2017 được hỗ trợ cho cả các hộ sản xuất kinh doanh. Qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến nay, xã Thượng Bằng La đã có dư nợ gần 20 tỷ đồng. Và từ nguồn vốn này, các hộ phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh, hiện chỉ còn 8%.
Văn Chấn là một trong những huyện rộng nhất của tỉnh Yên Bái với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Là huyện có vùng chuyên canh trồng cam lớn của tỉnh Yên Bái, nhu cầu vốn vay cho sản xuất của bà con nhân dân tại huyện Văn Chấn rất lớn.
Hàng năm, bình quân Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Chấn đầu tư cho gần 5.000 hộ tiếp cận vốn vay; góp phần giúp hơn 2.000 hộ thoát nghèo. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội của huyện là 460 tỷ đồng; 16.950 hộ được vay vốn; ủy thác qua 105 đầu mối cấp xã.
Do sử dụng vốn vay hiệu quả nên tỷ lệ nợ xấu của người dân rất thấp. Tổng dư nợ xấu hiện nay trên địa bàn toàn huyện Văn Chấn là 400 triệu đồng; chỉ chiếm 0,1% tổng dư nợ. Từ hiệu quả đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người dân tiếp cận vốn vay hiệu quả nhất để phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình.
Ông Đỗ Long Thảo, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Văn Chấn – Yên Bái cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp trực tiếp với các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện, chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội cấp xã, hệ thống tổ tiết kiệm vay vốn tham gia vào bình xét cho vay ở cơ sở thông qua các điểm giao dịch ở 31 xã, thị trấn. Ngân hàng chính sách xã hội vừa cung cấp thông tin, vừa công khai thông tin, đồng thời cũng giúp cho người dân tiếp cận thông tin, hướng dẫn người dân làm các thủ tục, hồ sơ cần thiết.
Với 9 Phòng giao dịch tại các huyện, thị xã, thành phố, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái đã triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái để giúp các hộ nghèo, hộ chính sách, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển sản xuất.
Đến nay, tổng dư nợ của các chương trình đạt 2.468 tỷ đồng, đã tăng hơn 14 lần so với năm 2002, tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm 20%. Trong giai đoạn từ 2003 - 2017, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái đã thực hiện cho vay 307 nghìn lượt khách hàng với doanh số cho vay hơn 5.000 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đặc biệt giảm hộ nghèo theo Nghị quyết của tỉnh ủy Yên Bái, giảm từ 3 - 4%/ năm.
Cũng theo ông Sơn, riêng với chương trình cho vay theo Quyết định số 54 và Quyết định số 32 của Ngân hàng Chính sách Xã hội, cho vay vốn đối với các hộ chính sách, hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, Ngân hàng chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND các huyện, thị xã, thành phố trong xây dựng, khảo sát, đánh giá, lập danh sách các hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn để triển khai chương trình.
Qua các chương trình này đã đầu tư 56,6 tỷ đồng cho các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Với nguồn vốn đầu tư 8 triệu đồng mỗi hộ, phù hợp với năng lực sản xuất kinh doanh của các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hiệu quả đầu tư vốn cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn rất tốt khi qua đánh giá, tỷ lệ nợ quá hạn hầu như không có.
Vốn tín dụng ưu đãi được Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai 15 năm qua thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả vốn vay giúp hàng chục nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Yên Bái đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, nâng thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo.