Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc CT 135 giai đoạn III các thôn, xã ĐBKK trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn III, Ngày 5-12-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 46/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất được quy định tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Để Thông tư thực sự đi vào cuộc sống cần lưu ý một số điểm khi thực hiện và một số đề xuất, kiên nghị khi thực hiên Thông tư trên địa bàn các thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Ngày 5-12-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Thông tư số 46/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất được quy định tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Theo đó tại tỉnh Kon Tum có 56 xã được phê duyệt tại Quyết định 2405/QĐ-TTg và 65 thôn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực I và II được phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-UBDT được đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn III. Hiện nay còn 05 xã mới tách theo Nghị quyết 126 của Chính phủ, UBND tỉnh đã trình Ủy ban Dân tộc, Chính phủ phê duyệt phân định ba khu vực.

Hỗ trợ phát triển sản xuất tạo động lực để các thôn đặc biệt khó khăn, xã nghèo phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi:

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm… trong hộ gia đình là rất lớn. Tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2014, nhiều cán bộ phòng Dân tộc các huyện, thành phố dự Hội nghị rất quan tâm đến Thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 do Bộ NN&PTNT ban hành. Đây là cơ hội, động lực để các hộ nghèo tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo quy định tại Thông tư 46, đối tượng áp dụng được thụ hưởng chính sách là các hộ nghèo, cận nghèo, nhóm hộ được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 05. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, Thông tư 46 quy định các địa phương phải thành lập các nhóm hộ và bảo đảm các điều kiện sau: Được lựa chọn công khai, dân chủ từ thôn trên cơ sở tự nguyện, gồm những hộ nghèo, cận nghèo và các hộ khác có uy tín đang sinh sống trên cùng địa bàn, có kinh nghiệm trong sản xuất, có khả năng hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trong nhóm vươn lên thoát nghèo. Nhóm hộ có một trưởng nhóm do các hộ bầu ra để quản lý điều hành các hoạt động của nhóm (ưu tiên phụ nữ làm trưởng nhóm); có cam kết và quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ để thực hiện kế hoạch, dự án sản xuất đã được xác định và sử dụng, hiệu quả nguồn vốn, nhằm tăng cường thu nhập, tạo việc làm cho các thành viên. Việc thành lập nhóm hộ do UBND xã quyết định; trong nhóm số lượng hộ không phải là hộ nghèo không quá 20% tổng số hộ của nhóm và phải có sự thống nhất của đa số hộ nghèo, cận nghèo. Nhóm hộ tự xây dựng nội quy hoạt động, được trưởng thôn đồng thuận và Chủ tịch UBND xã phê duyệt.

Qua thực tế kiểm tra việc thực hiện các chương trình, chính sách hàng năm trên địa bàn các thôn, xã đặc biệt khó khăn và theo ý kiến của người dân. Việc quy định đối tượng, nhất là nhóm hộ tại Thông tư 46 thì việc tạo lập nhóm hộ cùng sản xuất là cách làm rất thiết thực, hiệu quả. Vì sản xuất tập thể vừa huy động được nguồn lực và quản lý chặt chẽ được nguồn vốn, vừa tận dụng được sức lao động giữa các hộ và kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, từ đó tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân. Trong thời gian qua, một số xã thực hiện tốt việc lập nhóm hộ cùng sản xuất và xã cử cán bộ giúp nhóm hộ xây dựng quy chế hoạt động theo hướng dẫn của cấp trên đã đem lại hiệu quả thiết thực như: mô hình máy tuốt bắp trái tại xã Đăk PNe (huyện Kon Rẫy), mô hình máy phát cỏ tại các xã Bờ Y, xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi); mô hình nuôi bò cỏ sinh sản tại xã Ngọc Tem (huyện Kon PLong).

Về nguyên tắc hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất ở những thôn, xã đặc biệt khó khăn, Thông tư 46 quy định: Các dự án phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo; bảo đảm công khai, dân chủ, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án; các đối tượng tham gia dự án được hỗ trợ tùy theo nội dung của dự án. Mức hỗ trợ cho từng hộ và tỷ lệ hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ không nghèo trong nhóm hộ do UBND tỉnh quyết định.

Đối với hộ nghèo, cận nghèo và nhóm hộ, để nhận được hỗ trợ, hộ, nhóm hộ phải có điều kiện về đất đai, lao động và tư liệu sản xuất đáp ứng với nội dung của dự án; có cam kết thực hiện đúng các nội dung sản xuất đã đăng ký.

Nội dung hỗ trợ người dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhóm hộ khi tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương tình 135 giai đoạn III.

Theo Báo cáo của phòng Dân tộc các huyện, thành phố và qua kiểm tra thực tế việc thực hiện chính sách trong những năm qua tại một số thôn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh… nhiều cán bộ xã, người dân đặc biệt quan tâm đến nội dung, phương thức hỗ trợ theo quy định của Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Về vấn đề này, tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 05 và Thông tư 46 nêu rõ: căn cứ quy hoạch phát triển nông thôn mới, định hướng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu hỗ trợ của người dân, các địa phương lựa chọn nội dung phù hợp, thiết thực gắn với thị trường, có tính bền vững về thu nhập và an ninh lương thực để thực hiện xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; không nhất thiết phải đầu tư thực hiện tất cả các nội dung ở cùng một địa bàn để tập trung nguồn vốn, tránh dàn trải. Nội dung thực hiện hỗ trợ cụ thể là giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, có giá trị cao trên thị trường theo nguyện vọng của người dân và phù hợp với điều kiện của địa phương; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; vật tư phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế; làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản; xây dựng mô hình phát triển sản xuất; hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ điều kiện cho người dân tham quan học tập nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả; mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý phát triển sản xuất, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư về dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm; giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ, kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức và vận dụng vào kế hoạch sản xuất của hộ, nhóm hộ đã được xác định để phát triển sản xuất trên địa bàn xã.

Thông tư 46 cũng nêu rõ: Vốn để thực hiện các nội dung trên phải được lồng ghép từ các nguồn: Chương trình 135, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn; vốn tự có, vốn huy động từ những nguồn khác để tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả.

Tuy nhiên, tùy theo mục đích, nội dung của dự án và điều kiện cụ thể của địa phương, người dân tham gia dự án được hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế phải nằm trong danh mục giống được phép sản xuất và kinh doanh theo quy định của Bộ NN&PTNN; phù hợp với quy hoạch, đề án tái cơ cấu ngành và điều kiện của địa phương. Đối với phân bón, vật tư phải theo quy định mức kỹ thuật áp dụng cho từng giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc-xin tiêm phòng bệnh nguy hiểm theo quy định của thú y.

Thông tư 46/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNN có hiệu lực thi hành từ ngày 21-1-2015. Để thông tư đi vào cuộc sống, thiết nghĩ rằng: UBND huyện, thành phố bám sát văn bản số 3145/UBND-VX ngày 03/12/2014 của UBND tỉnh chỉ đạo về việc gắn kết, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất dành cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, Văn bản số 831/QĐ-UBND ngày 23/10/2013 của UBND tỉnh, tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện hướng dẫn UBND các xã khi lập dự án hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, khuyến khích giao xã làm chủ đầu tư và chỉ đạo UBND xã xem xét lồng ghép tất cả các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo trên địa bàn quản lý theo quy định tại Quyết định số 901/QĐ-UBND ngày 8/9/2008 của UBND tỉnh nhằm khắc phục tình trạng hỗ trợ dàn trải, manh mún, hiệu quả thấp; có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra UBND xã tổ chức thực hiện chính sách. UBND các xã chỉ đạo các thôn, làng tổ chức tuyên truyền, phổ biến mục đích, yêu cầu về chương trình, chính sách; tổ chức họp thôn, làng để bình xét hộ, nhóm hộ một cách khách quan, dân chủ. Việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, trang thiết bị vật tư, phân bón cho người dân cần được vận dụng một cách linh hoạt. Mặt khác, để việc hỗ trợ người dân đạt hiệu quả cao, rất cần năng lực của cán bộ các cấp trong việc đề xuất, lựa chọn các dự án. Nếu các dự án được xây dựng không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết… thì sự hỗ trợ sẽ không đem lại hiệu quả cho người dân. 

 In bài viết
Văn bản điều hành