Hòa Lộc nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến tháng 12-2016, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với cách làm sáng tạo đã làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trên vùng đất ven biển này. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi khang trang, hiện đại, xưởng sản xuất, những ngôi nhà, khuôn viên, tường rào của dân đã được xây dựng, chỉnh trang sạch, đẹp, góp phần làm cho thôn, xóm văn minh, giàu đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây đã được cải thiện.
Hòa Lộc là xã thuần nông, nền kinh tế dựa vào sản xuất nông
nghiệp là chính, bắt đầu xây dựng nông thôn mới (XDNTM) (tháng 8- 2011), xã mới
đạt 5/19 tiêu chí. Do triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó
khăn, chung sức XDNTM đến cuối tháng 10-2016, xã đã cơ bản hoàn thành XDNTM với
18/19 tiêu chí. Tốc độ phát triển kinh tế bình quân của xã đạt 13,5%. Cơ cấu
kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,4
triệu đồng/năm...
Không chỉ có cách làm sáng tạo trong lựa chọn công trình và
đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, Hòa Lộc còn là xã điển hình của huyện về huy
động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong 5 năm (từ tháng 11-2011
đến tháng 10-2016) xã đã đầu tư 167 tỷ đồng XDNTM, trong đó nhân dân đóng góp
133,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh, huyện và xã 29,8 tỷ đồng, số vốn còn lại là vốn
của doanh nghiệp và lồng ghép các chương trình, dự án khác. Cùng với huy động
các nguồn vốn, Hòa Lộc đã áp dụng cơ chế giao quyền chủ động cho người dân và
cộng đồng tại thôn, xóm, từ đó phát huy được quy chế dân chủ trong tổ chức thực
hiện đầu tư xây dựng. Kết quả nổi bật là xã đã tập trung xây dựng hoàn chỉnh cơ
sở hạ tầng và phúc lợi như giao thông, thủy lợi, trường học, hệ thống điện, trạm
y tế, công sở UBND xã, trung tâm văn hóa, các nhà văn hóa thôn,v.v... khang
trang, hiện đại, đạt tiêu chí XDNTM.
Khi cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, xã đã tạo môi
trường thuận lợi, ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản
xuất, kinh doanh như tạo mặt bằng sạch, thủ tục hành chính nhanh gọn... Kết quả,
đến nay, trên địa bàn xã đã có 9 doanh nghiệp đã và đang xây dựng nhà xưởng phục
vụ sản xuất, kinh doanh. Điển hình như Công ty Đóng tàu Tuyên Phong - doanh
nghiệp được UBND xã Hòa Lộc tạo điều kiện cho nhận thầu 3.000 m2 đất hoang hóa.
Công ty đã tập trung cải tạo, xây dựng nhà xưởng phục vụ sửa chữa, đóng mới tàu
cá. Doanh thu bình quân hàng năm của công ty đạt 30 tỷ đồng, giải quyết việc làm
và thu nhập ổn định cho 30 lao động; hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà
nước.
Xã đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ
thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người
dân. Trong đó, nổi bật là quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất nông nghiệp hàng
hóa tập trung và hướng dẫn người dân đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Trong sản
xuất nông nghiệp, tổng diện tích đất canh tác 384 ha của xã cho thu nhập bình
quân 110 triệu đồng/ha/năm. Vùng sản xuất lúa cao sản 100 ha. Riêng vùng chuyên
canh rau màu cao cấp 30 ha (1 vụ lạc, từ 2 đến 3 vụ dưa hấu và dưa bở) giá trị
kinh tế cao, đạt hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Cánh đồng thôn 4 và thôn 5 trũng
thấp, có hơn 28 ha cấy lúa không ăn chắc, thường hay ngập úng vụ mùa, 2 năm vừa
qua được xã quy hoạch chuyển sang phát triển mô hình cá-lúa; các mô hình trang
trại, gia trại. Hiện tại, đã có 10 trang trại, gia trại trồng lúa 1 vụ kết hợp
nuôi cá, gia súc, gia cầm bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người
dân địa phương...
Từ những thành quả trên nhiều lĩnh vực, xã Hòa Lộc tập trung
chỉ đạo, phấn đấu đến cuối tháng 11-2016 hoàn thiện tiêu chí còn lại (trường học).
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết lịêt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo
xã, thôn, đảng viên gương mẫu, chủ động, tiên phong thực hiện tốt. Đảng ủy,
chính quyền và nhân dân trong xã đã xác định được những tiềm năng, lợi thế và
tiếp tục có giải pháp khai thác tối đa các nguồn lực đầu tư vốn và chuyển giao
khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh
dịch vụ tại các khu vực đã được quy hoạch nhằm tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch
cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giải quyết thêm việc làm tại địa phương, góp phần
nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.