Hồi sinh trên vùng đất mới
Tỉnh Kon Tum có 736/820 thôn, làng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó khoảng 280 làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa (chiếm tỷ lệ trên 30%). Điển hình trong số này là làng Đắk Răng, xã Đắk Dục (Ngọc Hồi). Làng này đã hồi sinh trên vùng đất mới từ khoảng 10 năm trở lại đây.
Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con!
Những năm trước, bà con Đắk Răng định cư ven suối Kon Dui, Kon Vây, cách làng mới vài kilômét, đường sá đi lại rất khó khăn. Được chuyển ra làng mới, ánh điện đã đến từng gia đình, bà con được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm chỉ còn khoảng 20 hộ.
Không những chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng bào nơi đây còn thực hiện rất tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tất cả các đôi vợ chồng trẻ đều thực hiện gia đình ít con để nuôi dạy con tốt, không gia đình nào sinh con thứ ba. Y Book Loan đã có 2 con gái tâm sự: “Tụi em chỉ sinh 2 con thôi. Không đẻ nhiều đâu, đẻ nhiều thì cho tụi nhỏ ăn học vất vả lắm”.
Giữ gìn bản sắc văn hoá
Đắk Răng cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ngay từ những năm đầu định cư tại làng mới, Chi bộ làng Đắk Răng đã có chủ trương thành lập đội nghệ nhân gồm 25 người, trong đó có 12 nghệ nhân là nữ. Họ chính là nòng cốt để truyền dạy cho lớp trẻ trong làng cách chế tác, diễn tấu nhạc khí dân tộc.
Nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nên trong các cuộc liên hoan dân ca - dân vũ các tỉnh Tây Nguyên, đội nghệ nhân làng Đắk Răng đã dành được nhiều giải thưởng lớn. Mới đây, Hội Nghệ nhân dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho Blong Lệ, Brôr Vẻ và Blong Vươn. Đây chính là niềm vui, niềm tự hào và cũng là thành tích đáng ghi nhận của các thế hệ làng Đắk Răng trong việc xây dựng cuộc sống mới.
Phan Cư
(Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)
[TT: H.T.N]