Hướng thoát nghèo bền vững của Phong Thổ
Nhờ thực hiện sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, thời gian qua, nhân dân huyện Phong Thổ đã tích cực đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Biết cách tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về
đất đai, huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch bãi chăn thả, khu
vực trồng cỏ voi, đến nay, toàn huyện đã quy hoạch 48ha diện tích đất trồng cỏ
để tạo nguồn thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành, địa phương
tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật
của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện thuận lợi để
người dân được vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi. Tăng cường công
tác quản lý nhà nước về con giống, thức ăn chăn nuôi; thực hiện đồng bộ các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chuyển giao tiến bộ khoa học
kỹ thuật, phát triển đa dạng các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao…
Một trong những mô hình nuôi cá đươc đánh giá là đem lại hiệu
quả kinh tế cao cho nông dân là Mô hình Kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ trên diện tích
0,6ha tại xã Khổng Lào do Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với UBND xã Khổng Lào
triển khai. Mô hình không chỉ giúp bà con nông dân tận dụng triệt để nguồn thức
ăn sẵn có mà còn thay đổi thói quen nuôi thả cá nhỏ lẻ sang nuôi thả cá quy mô
lớn. 15 hộ dân bản Phai Cát 2, xã Khổng Lào tham gia mô hình được tập huấn về kỹ
thuật chăm sóc cá nước ngọt, cách phòng chống một số bệnh ở cá. Ngoài ra, các hộ
còn được hỗ trợ 100% cá giống gồm các loại (trắm cỏ, chép, rô phi đơn tính),
100% thức ăn công nghiệp (loại cám viên nổi) cho cá. Qua 8 tháng triển khai, mô
hình đã khẳng định được hướng phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên đất Khổng Lào.
Cá sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng của các loại đã đạt được mức tối
đa: cá trắm cỏ 1,1kg/con, cá chép, cá rô phi đơn tính đạt 0,6 - 0,7 kg/con. Trừ
chi phí, lợi nhuận thu được 0,6ha nuôi ghép cá trắm cỏ đạt 146.260.000 đồng/lứa.
Mô hình thành công nhiều người dân đã tận dụng khu đất có nguồn nước chảy qua,
mở rộng diện tích nuôi thả cá, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Tính đến
hết tháng 9/2016, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đạt
40,05ha; tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 73 tấn (trong đó sản lượng
nuôi trồng là 54 tấn; sản lượng đánh bắt là 5 tấn) tăng 5,04 tấn so với cùng kỳ
năm trước. Tận dụng nguồn nước sạch, mát trên núi một số đơn vị bộ đội, người
dân đã đầu tư xây bể nuôi thả các cá nước lạnh như: cá tầm, cá hồi với khối
lượng đạt 14 tấn/năm. Theo chỉ tiêu đất nuôi trồng thủy sản được duyệt năm 2016
là 44,52ha, đến nay các địa phương trong huyện đã thực hiện đạt 100% so với chỉ
tiêu được duyệt.
Cùng với nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc gia cầm cũng
phát triển khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tổng đàn gia súc của huyện hiện
đạt 58.870 con, tăng 5.529 con so với năm 2015, trong đó có 16.750 con trâu;
1.450 con bò, 40.670 con lợn. Lợn và trâu là 2 loại gia súc được nuôi phổ biến
nhất do phù hợp với hoạt động canh tác, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Những
xã có số lượng đàn gia súc lớn như xã Pa Vây Sử, Huổi Luông, Nậm Xe, Dào San…
Tốc độ tăng trưởng đàn đại gia súc đạt 1,94%. Đàn gia cầm các loại có
180.000 con, tập trung ở xã Mường So, Nậm Xe, Dào San, Bản Lang. Chị Vàng Thị
Nhín ở bản Vàng Pheo, xã Mường So là một trong những hộ điển hình thoát nghèo từ
chăn nuôi. Năm 2014, được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp chị vay Ngân hàng 30
triệu đồng đầu tư xây dựng nhà lưới trồng rau với diện tích hơn 2.000m2. Cùng
với xuất bán ra thị trường, chị tận dụng số rau già phục vụ chăn nuôi, xung
quanh vường rau chị trồng các loại rau lang, khoai và chuối. Lấy ngắn nuôi dài,
chị tích cóp đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi với 35 con lợn, 150 con gà.
Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình chị hiện nay đạt gần 80 triệu đồng/năm. Có
kinh nghiệm chăn nuôi chị lại truyền đạt lại cho các chị em cùng mở rộng chăn
nuôi vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Có thể nhận thấy, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn huyện
Phong Thổ những năm qua đã có nhiều bước tiến quan trọng. Góp phần tích cực vào
việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp,
làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông nghiệp nông thôn. Hiện huyện Phong Thổ đang cụ
thể hóa các mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển mạnh
chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thả thủy sản theo hướng tập trung, gắn với an
toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm khai thác có hiệu quả tiềm
năng về lao động, đất đai… Từng bước hực hiện thành công chương trình mục tiêu
Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.