Hướng thoát nghèo bền vững ở Sính Phình
Sính Phình là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, vì thế cấp ủy, chính quyền huyện đã xác định xóa đói, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm.
Sính Phình có diện tích lớn đồi núi thoai thoải, thuận lợi cho
việc nuôi dê. Vài năm trở lại đây, nghề nuôi dê trong xã phát triển, nâng số
lượng tổng đàn dê trên địa bàn lên gần 2.600 con, trở thành hướng thoát nghèo
bền vững.
Vừa lùa đàn dê về đến sân, ông Chang A Sùng, bản Dê Dàng 1
phấn khởi cho biết: “Một năm trước, gia đình tôi vẫn thuộc diện hộ nghèo trong
bản. Từ khi được cán bộ xã, thôn vận động nuôi dê, gia đình tôi mượn dê giống
của một số hộ khá trong bản về nuôi để lấy dê con. Nhờ đó, dần dần gia đình tôi
đã có đàn dê 30 con”. Thoát được nghèo, ông Sùng lại tiếp tục tìm hướng mở rộng
phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi đại gia súc và cho các hộ trong bản mượn
dê giống về nuôi. Nhiều hộ được ông Sùng cho mượn dê giống bây giờ cũng đã có
đàn dê riêng và dần vươn lên thoát nghèo.
Ở bản Dê Dàng 1, hiện nay số hộ dân có đàn dê hơn mười con
không phải là hiếm. Đơn cử như đàn dê của Trưởng bản Chang A Dê cũng sắp đạt con
số 100. Anh A Dê cho biết: “Mình là cán bộ bản, cho nên phải đi đầu để bà con
noi gương học tập. Phải cho họ thấy thành quả kinh tế rồi động viên họ làm theo
mới hiệu quả”. Từ cuối năm 2014 đến nay, bản đã có tám hộ thoát khỏi danh sách
hộ nghèo nhờ nuôi dê; 30 trong số 70 hộ còn lại cũng đang ở mức cận nghèo và
phấn đấu thoát nghèo trong thời gian sớm nhất.
Phó Chủ tịch UBND xã Sính Phình Phàng A Sang cho biết: Xã tiếp
tục phối hợp trạm khuyến nông huyện phân bổ 90 con dê cho hộ nghèo ở các thôn,
bản trong xã theo Chương trình 135; đồng thời đề nghị các thôn, bản chủ động hỗ
trợ dê giống từ đàn dê trên địa bàn cho các hộ nghèo khác. Cán bộ khuyến nông xã
tăng cường xuống cơ sở hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, chủ động phòng, chống dịch bệnh,
dự trữ thức ăn cho dê.