Hướng thoát nghèo ở xã Làng Mô

Làng Mô là xã vùng cao của huyện Sìn Hồ, những năm gần đây, người dân trong xã đã biết khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, trong đó có việc trồng và thu hoạch cây sơn tra (hay còn gọi là cây táo mèo) đem lại thu nhập đáng kể cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Diện tích cây táo mèo ở xã Làng Mô chủ yếu tập trung ở các bản: Tà Cù Nhè, Làng Mô, Sang Sông Hồ, Tù Cù Phìn và Lò Suối Tổng. Cây táo mèo thường trồng ở độ cao từ 1.400m đến 1.600m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, sương mù bao phủ rất thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của loại cây này. Hiện nay, xã Làng Mô có 108,4ha táo mèo, trong đó khoảng 87ha diện tích trồng mới, 25ha là diện tích lâu năm và rất nhiều cây mọc trong các khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ trên địa bàn xã. Với lợi thế về đất đai, khí hậu, Cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có trồng và mở rộng diện tích cây táo mèo. Từ năm 2013 đến nay, để đảm bảo mục tiêu trồng được 87ha cây táo mèo theo Dự án Trồng rừng thay thế, UBND xã đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nậm Na (huyện Sìn Hồ) vận động được 154 hộ gia đình tham gia. Trong quá trình trồng, người dân được cán bộ Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ Nậm Na hướng dẫn quy trình kỹ thuật để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện nay, cây táo mèo đang đem lại giá trị kinh tế rất cao cho nông dân trong xã. Quả táo mèo từ lâu nay đã trở thành đặc sản được nhiều người lựa chọn làm quà mỗi khi đến Sìn Hồ nói riêng và Lai Châu nói chung. Nhiều người sử dụng táo mèo để làm thuốc, ướp đường, ngâm rượu hay chế biến thành các loại đồ uống khác nhau. Khi bước vào mùa thu hoạch, quả táo mèo tươi được các tiểu thương trong và ngoài huyện đến tận nơi thu mua với giá bán trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thời điểm cuối vụ thu hoạch, giá quả tươi còn lên đến 40.000 - 50.000 đồng/kg. Còn khi người dân sơ chế thái mỏng, phơi khô giá bán rẻ cũng được từ 150.000-200.00 đồng/kg. Diện tích cây táo mèo đã cho thu hoạch hiện nay ở xã Làng Mô cho năng suất khá cao, với năng suất trung bình từ 30 - 70kg/cây, sản lượng táo bình quân có thể đạt 15-20 tấn/ha. Quả táo mèo cũng là loại quả bảo quản tương đối dễ dàng, nếu người dân thu hái cẩn thận, quả không bị dập nát thì có thể để được cả tuần mà không bị hỏng. Chính vì vậy, mà người dân không bán được tại vườn thì vẫn có đủ thời gian để vận chuyển ra chợ huyện, tỉnh để bán. Từ một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, từ năm 2011 đến nay, nhờ phát triển diện tích cây táo mèo và quả táo mèo được giá nên tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ hơn 70% xuống còn 31% (theo chuẩn nghèo cũ) năm 2015.

Gia đình ông Giàng A Mềnh ở bản Làng Mô nói: “Mấy năm nay, quả táo mèo được giá nên bà con trong bản rất mừng. Gia đình tôi có khoảng 1ha, trừ các khoản chi phí bỏ ra để chăm sóc và thu hái mỗi năm cũng thu về cả trăm triệu đồng. Tiền thu được không chỉ giúp gia đình mua sắm vật dụng tiện nghi phục vụ sinh hoạt cho gia đình mà còn có điều kiện cho con cái ăn học đầy đủ. Ở bản bây giờ nhiều hộ cũng trồng loại cây này, nhà nhiều thì vài trăm cây, ít cũng phải vài chục cây trở lên. Nhờ cây táo mèo mà các hộ không còn lo bị đói vào thời điểm giáp hạt nữa”.

Ông Lầu Súa Sử - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: “Trong thời gian tới Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân thực hiện việc chăm sóc diện tích cây táo mèo đã trồng, góp phần giải quyết việc làm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tạo điều kiện và khuyến khích Nhân dân tiếp tục phát triển diện tích cây táo mèo với quy mô lớn hơn, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Xã cũng sẽ phối hợp với Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ Nậm Na tìm đầu ra cho diện tích cây táo mèo để người dân yên tâm khi mở rộng diện tích trong thời gian tới”.

Cùng với sự hỗ trợ của huyện cũng như sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã, chúng tôi tin rằng trong tương lai không xa cây táo mèo sẽ thực sự trở thành cây xoá đói giảm nghèo của xã Làng Mô. Diện tích cây táo mèo sẽ tiếp tục được mở rộng, góp phần nâng diện tích che phủ rừng trên địa bàn xã. Từ cây táo mèo đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trong xã sẽ không ngừng được nâng lên.

 In bài viết
Văn bản điều hành