Hữu Lân động lực phát triển từ Chương trình 135
Khi Chương trình 135 mới bắt đầu được triển khai trên địa bàn xã Hữu Lân (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), hầu như 100% số hộ trong xã đều là hộ nghèo, thậm chí đói đứt bữa lúc giáp hạt. Mọi hoạt động sản xuất dựa hoàn toàn vào thiên nhiên, lại theo lối tự cấp, tự túc nên sản phẩm làm được rất ít. Trong khi đó, đường từ trung tâm xã đến 8 thôn mới chỉ là đường mòn dành cho xe kéo và người đi bộ.
Trường học chắp vá, dột nát, nhiều trẻ em phải bỏ học giữa chừng, thậm chí có em không được đến trường. Điện, nước sạch, sóng phát thanh, truyền hình cũng không có nên đời sống tinh thần của bà con vô cùng nghèo nàn, lạc hậu... Từ khi Chương trình 135 triển khai tại địa bàn, Hữu Lân bắt đầu có những khởi sắc. Sự khởi sắc ấy hiện diện trên những con đường nối về các thôn, bản được mở rộng, trường học được kiên cố hóa và nhất là từ đầu năm 2009, 3/8 thôn đã có điện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể.
Chương trình 135 giai đoạn II tập trung đầu tư phát triển đời sống của người dân như hỗ trợ sản xuất, nâng cao khả năng tiếp thụ văn hóa, hỗ trợ học sinh nghèo, dạy nghề, xuất khẩu lao động... Năm 2009 và nửa đầu năm 2010, xã được đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn và hỗ trợ sản xuất thông qua hình thức cung ứng phân bón, cây trồng lâm nghiệp và hỗ trợ mua máy cày; hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi, cải tạo môi trường nông thôn. Từ nguồn vốn đó, Hữu Lân đã đầu tư san mặt bằng hai tuyến đường nối từ thôn Vinh Tiên đến thôn Suối Vằm và từ trụ sở Uỷ ban nhân dân xã đến phân trường Tiểu học Vinh Tiên, với tổng chiều dài gần 2 km. Ngoài ra, xã còn tập trung vốn để duy tu bảo dưỡng các tuyến đường, cầu cống đã và đang xuống cấp, ở 6 thôn đã được làm đường giao thông nông thôn. Đối với dự án hỗ trợ sản xuất, xã đã triển khai hỗ trợ 193 hộ nghèo xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo đúng danh mục vốn quy định. Nhằm giúp hộ nghèo có điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, xã đã đầu tư 169 triệu đồng hỗ trợ các hộ nghèo về phân bón, cây lâm nghiệp và mua máy cày thay thế sức kéo gia súc...
Cùng chúng tôi đến nhà anh Nông Hữu Thái, một trong những hộ dân được hỗ trợ vay vốn từ nguồn 135 giai đoạn II, ông Nông Văn Bằng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã vui mừng cho biết cả xã có hàng trăm hộ đã nhận được tiền hỗ trợ để đầu tư cho sản xuất. Nhiều hộ góp thêm tiền mua bò, lợn chăn nuôi lấy thịt, có hộ dành tiền mua giống tốt về sản xuất. Như nhà anh Thái, từ nguồn vốn hỗ trợ và vay mượn thêm của họ hàng, anh đã đầu tư mua 4 con bê nuôi thịt. Anh tin răng cuối năm bán được giá, gia đình không những trả hết nợ mà còn dư tiền mua thêm một đôi bê nữa. ở Hữu Lân, có nhiều hộ đã làm như nhà anh Thái.
Chương trình 135 triển khai tại Hữu Lân đã góp phần to lớn mang đến cho người dân cơ hội xóa đói, giảm nghèo. Đơn cử như có con đường giao thông nối trung tâm xã với các thôn, với huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, trao đổi hàng hoá diễn ra thường xuyên hơn. Hiện nay, tại trung tâm xã đã có cửa hàng tạp hóa, thực phẩm tươi sống được bày bán hàng ngày. Chương trình cũng đã đầu tư xây những ngôi trường khang trang, sạch đẹp thay thế cho những ngôi nhà vách nứa, mái tranh. Có trường, trẻ em được đi học, dân trí dần nâng lên. Một điểm đáng ghi nhận là đầu năm 2009, điện lưới quốc gia đã kéo về 3/8 thôn, do vậy nhiều hộ đã mua được ti vi, máy bơm nước và lắp điện thoại liên lạc. Người dân được hỗ trợ về cây giống, phương tiện và khoa học kỹ thuật nên hoạt động sản xuất nông-lâm nghiệp diễn ra kịp thời vụ, năng suất, chất lượng được nâng lên. Bình quân lương thực đầu người đạt trên 400kg/người/năm. Hoạt động chăn nuôi có bước phát triển, các mô hình chăn nuôi đại gia súc ngày càng nhân rộng và mở rộng về quy mô, cho thu nhập khá, có hộ đã có thu hàng năm gần trăm triệu đồng.
Từ sự hỗ trợ của Chương trình 135, cộng với sự nỗ lực của chính người dân xã Hưu Lân trong việc tận dụng có hiệu quả các thế mạnh của địa phương nên tỷ lệ hộ nghèo trong xã đến nay đã giảm xuống đáng kể so với những năm trước đây. Điều đó có thể khẳng định rằng, nếu thiếu đi sự hỗ trợ này thì phải mất nhiều năm hoặc lâu hơn nữa, các xã đặc biệt khó khăn ở huyện Lộc Bình mới có thể thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Đánh giá về tiến độ triển khai Chương trình 135 hàng năm tại Hữu Lân, ông Nông Văn Bằng khẳng định: Nguồn vốn 135 đầu tư vào địa bàn luôn được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, đúng yêu cầu kế hoạch đề ra. Người dân ở các thôn trong xã Hữu Lân còn được hỗ trợ giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao và nhiều máy móc phục vụ sản xuất, giúp dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Nguồn vốn đã tạo ra những tiền đề quan trọng, không chỉ giúp cho người dân Hữu Lân xóa nghèo mà còn là động lực to lớn trên bước đường phát triển.
Nghiêm Huệ
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 7/2010)
[TT: H.T.N]