Huy động nguồn lực đẩy nhanh công tác xây dựng nông thôn mới

Sau một thời gian triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những thành quả rất tích cực, đời sống nhân dân nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Từ đó đã góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn.

Nỗ lực cán đích

Theo Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Bắc Ninh, đến nay số tiêu chí xây dựng NTM trung bình của các xã trên địa bàn đã đạt là 16,16 tiêu chí/xã, tăng 0,45% tiêu chí so với năm 2015, cao hơn vùng đồng bằng sông Hồng 0,76 tiêu chí. Trong đó có 35 xã đạt chuẩn NTM, bằng 36,1% tổng số xã, cao hơn vùng đồng bằng sông Hồng 12,6%; 30 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 32 xã đạt từ 11 đến 14 tiêu chí và không còn xã nào dưới 11 tiêu chí.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để các địa phương đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Nhờ đó, nhiều địa phương đã triển khai được các công trình làm đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, cải tạo xây mới hệ thống điện lưới, xây dựng trường học, trạm y tế, cơ sở văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, trụ sở xã... qua đó, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt, cảnh quan, môi trường nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31,6 triệu đồng; 100% số xã đều đạt chuẩn y tế giai đoạn I; 100% phòng học các cấp được kiên cố hóa; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 80%. Cùng với đó, 95,8% số hộ ở nông thôn có các công trình vệ sinh; tỷ lệ cư dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%.

Là một xã nông nghiệp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn song với cách làm quyết liệt, sáng tạo nên sau một thời gian triển khai xây dựng NTM xã Song Hồ huyện Thuận Thành đã đạt chuẩn NTM. Việc triển khai xây dựng NTM đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, qua xây dựng NTM, Song Hồ đã thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn tạo điều kiện cho người dân đi lại tốt hơn và giao thương hàng hoá thuận tiện hơn. Anh Nguyễn Ngọc Lĩnh, thôn Đạo Tú xã Song Hồ cho biết: “Đoạn đường liên thôn từ Đông Khê qua Đạo Tú này trước kia rất lầy lội, nhất là vào ngày mưa. Từ khi con đường mới được khánh thành, người dân không còn phải xắn quần lội nước. Bà con trong xóm nhắc nhở nhau phải nâng cao ý thức tự quản, giữ gìn cho đường làng sạch sẽ”.

Được biết, đường liên thôn ở bốn thôn tại xã Song Hồ hầu hết là do người dân tự nguyện đóng góp, ngoài vật chất, ngày công lao động, người dân còn hưởng ứng tham gia hiến đất để mở rộng đường. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống giao thông nội đồng, đường làng, ngõ xóm được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, vận chuyển hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều gia đình thôn Đông Khê đã tự nguyện hiến đất để xây dựng nhà văn hóa của thôn với diện tích 2700m2.

Chủ tịch UBND xã Song Hồ, Nguyễn Xuân Định chia sẻ “Là xã thuần nông, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhân dân Song Hồ vẫn cán đích NTM. Bí quyết của Song Hồ chính là công tác dân vận khéo. Muốn được người dân đồng lòng, tin tưởng thì mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động. Xã cũng xác định đạt được 19 tiêu chí là việc khó nhưng giữ gìn và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân là việc làm còn khó hơn. Bởi vậy, trong thời tới xã sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân”.

Xử lý dứt điểm nợ đọng

Tuy nhiên, việc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn còn những khó khăn do công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở chưa tích cực; phong trào thi đua “toàn dân chung sức xây dựng NTM” và việc huy động các doanh nghiệp, nhân dân tham gia ở một số địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều xã triển khai xây dựng công trình với quy mô lớn hơn quy định dẫn đến nhu cầu vốn đầu tư lớn làm tiến độ về đích NTM chậm.

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM (xin được gọi tắt là nợ đọng NTM), tính đến ngày 31-1, tỉnh Bắc Ninh còn nợ hơn 1,6 nghìn tỷ đồng. Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các ban, ngành có liên quan tổ chức rà soát, đánh giá lại. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến số liệu trên do sự nhầm lẫn, hiểu sai giữa tổng mức đầu tư của các công trình và số nợ xây dựng cơ bản của các công trình. Số liệu cụ thể về nợ đọng NTM (theo biên bản nghiệm thu A-B) các công trình NTM tính đến ngày 30-6 ở Bắc Ninh là 566,5 tỷ đồng. Ngày 19-10,Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Bắc Ninh đã gửi tường trình lên văn phòng điều phối NTM Trung ương và đề nghị đơn vị này nghiên cứu, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lại số liệu trên cho phù hợp với thực tế tại địa phương.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết: Về vấn đề nợ đọng xây dựng dựng cơ bản NTM, sau khi xin ý kiến của Bộ Tài chính, tỉnh đã bố trí 300 tỷ đồng từ nguồn kinh phí cải cách tiền lương để phân bổ cho các địa phương, sử dụng 100 tỷ đồng từ tiền tăng thu ngân sách để hỗ trợ giải quyết nợ đọng. Bên cạnh đó các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất xen kẹp trong khu dân cư, dự kiến toàn tỉnh sẽ thu được hơn 100 tỷ đồng. Số nợ còn lại (khoảng 66,5 tỷ đồng) tỉnh Bắc Ninh sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh chưa sử dụng của năm 2016 để trả nợ. Như vậy, khoản nợ đọng xây dựng nông thôn mới 566,5 tỷ sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2016.

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao không huy động nguồn tài chính từ trong dân mà tỉnh lại quyết định hỗ trợ hoàn toàn, ông Nguyễn Tử Quỳnh lý giải: Trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp Bắc Ninh đã phải lấy một phần đất sản xuất của người dân. Bao nhiêu năm qua nếu như không có sự ủng hộ, đồng lòng từ phía nhân dân thì khó có thể xây dựng được Bắc Ninh thành tỉnh công nghiệp như bây giờ. Sau khi cân nhắc nguồn ngân sách của địa phương, chúng tôi đã quyết định hỗ trợ hoàn toàn kinh phí mà nhân dân còn thiếu. Hy vọng đây sẽ là một cú huých giúp những địa phương còn khó khăn ở Bắc Ninh có thêm đà để phát triển.

Theo kế hoạch, trong năm 2016 tỉnh phấn đấu có hơn 55 xã đạt chuẩn NTM; ba đơn vị cấp huyện là Tiên Du, TP Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn) được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân các xã đạt khoảng 16,8 tiêu chí. Để làm được điều đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đại cho biết: Tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung đào tạo nâng cao nguồn nhân lực phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn; tiếp tục hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu cho các thôn như giao thông, nước sinh hoạt, trường học, nhà văn hoá…nhằm tạo sự đột phá diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế, xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến, phương pháp làm hay, sáng kiến, sáng tạo về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên các phương tiện thông tin; triển khai tốt cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”…

 In bài viết
Văn bản điều hành