Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị có nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) nên bộ mặt nông thôn nhiều nơi khởi sắc. Tuy ở một số địa phương còn khó khăn trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, nhưng với sự chung tay, góp sức của chính quyền, người dân tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực phấn đấu sớm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Từ chuyện người dân tự nguyện hiến đất...

Về các xã nông thôn mới Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh), Triệu Trạch, Triệu Phước (Triệu Phong); Hải Tân, Hải Thượng (Hải Lăng); Hải Lệ (thị xã Quảng Trị)... mới thấy được sự chung tay, góp sức xây dựng quê hương bằng nhiều việc làm thiết thực của đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương. Những con đường rậm rạp cây dại, lầy lội và chật hẹp trước đây đã được phát quang, thoáng đãng, thay thế bằng con đường bê-tông phẳng lỳ, thuận tiện cho việc đi lại của người dân và tạo cảnh quan môi trường nông thôn. Người dân với vai trò là chủ thể trong xây dựng NTM đã có những đóng góp bằng công sức, tài sản, tiền bạc cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình phúc lợi, quy ra tiền đạt hơn 405 tỷ đồng. Riêng trong năm 2014, người dân Quảng Trị đã hiến hơn 50 nghìn m2 đất dành cho việc chỉnh trang nông thôn theo tiêu chí mới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết: Nhiều hộ gia đình đập phá hàng chục mét tường rào kiên cố để mở rộng đường; dành hàng trăm m2 đất vườn cho xây dựng các công trình phúc lợi trong đợt chỉnh trang nông thôn theo tiêu chí mới...

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hải Tân Bùi Xuân Giang chia sẻ: Hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xã ở Hải Tân đều phải mở rộng theo tiêu chí mới nên phải lấn thêm vào phần đất đai, tài sản của người dân. Ý thức được sự khó khăn này, trước khi triển khai mở rộng đường, địa phương tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động nên người dân tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi đền bù.

Ông Ngô Xuân Thiển, ở thôn Như Lệ (Hải Lệ) cho biết: "Gia đình tôi có một mảnh đất, trước đây một số người hỏi mua với giá hơn 50 triệu đồng nhưng tôi không bán. Nay địa phương xây dựng NTM, mảnh đất nằm ở khu vực phải giải tỏa để mở rộng đường, tôi đã tự nguyện hiến gần 200 m2 đất cho thôn". Ðến thôn Câu Nhi (Hải Tân), chúng tôi nghe người dân nói về ông Phạm Như Cẩn, một tấm gương tiêu biểu trong đóng góp xây dựng NTM. Gia đình ông Cẩn đã đập bỏ bức tường rào bê-tông dài gần 40 m mới xây mà không yêu cầu đền bù. "Ðóng góp tài sản, đất đai, cây trồng để làng xóm, quê hương trở nên đẹp hơn, gia đình tôi không có gì phải hối tiếc", ông Cẩn tâm sự. Noi gương ông Thiển, ông Cẩn, nhiều hộ gia đình khác ở hai thôn Như Lệ, Câu Nhi đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng đường giao thông liên thôn, liên xã và cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh.

Thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và đóng góp của người dân, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ thiết thực của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp. Với tốc độ tăng bình quân hơn 2,7 tiêu chí/năm, đến nay xã đã đạt 17/19 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành 19/19 tiêu chí.

... đến những cách làm sáng tạo

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Bài cho biết: Trong xây dựng NTM, có địa phương lựa chọn tiêu chí dễ, cần ít vốn, có điều kiện triển khai tập trung làm trước; có địa phương thì chọn tiêu chí mang tính đột phá, tập trung các nguồn lực để hoàn thiện, tạo nền tảng thực hiện các tiêu chí còn lại. Phần lớn các xã điểm của tỉnh lấy tiêu chí mở rộng đường giao thông, xây dựng thủy lợi nội đồng, nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo... làm điểm xuất phát trong xây dựng NTM. Nhờ những cách làm hay, sáng tạo, phong trào xây dựng NTM ở nhiều địa phương đã thu được thành quả quan trọng.


Người dân xã Hải Tân, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) phá bỏ hàng rào, hiến đất mở rộng đường giao thông liên thôn.

Xã Hải Thọ (Hải Lăng) có cơ sở hạ tầng tương đối ổn định nên chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân để đạt tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất; tập trung thử nghiệm, nhân rộng, phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, có thị trường tiêu thụ ổn định mà địa phương có lợi thế, như nuôi bò lai, lợn nái ngoại, lúa đặc sản, rau, củ, quả và cá nước ngọt..., hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Tại xã Vĩnh Kim (Vĩnh Linh), tập trung xây dựng bộ tiêu chí "Thi đua xây dựng NTM" cho các thôn, trên cơ sở ưu tiên tiêu chí dễ thực hiện trước, với phương châm "Huy động sức dân, dân trực tiếp làm, dân hưởng thụ". Theo Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Vĩnh Kim Nguyễn Xuân Tú, địa phương lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá, làm nền tảng cho thực hiện các tiêu chí khác. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp, thực hiện dồn điền đổi thửa, từng bước xóa tình trạng canh tác manh mún, tạo ra diện tích quy mô lớn để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào canh tác... Năm qua, thu nhập bình quân đầu người của xã Vĩnh Kim đạt hơn 26 triệu đồng, tăng 1,1% so với mặt bằng chung của huyện. Bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân được nâng lên. Vĩnh Kim là địa phương đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị hoàn thành 19/19 tiêu chí, tăng 12 tiêu chí so với năm 2011.

Xã Triệu Trạch (Triệu Phong) là địa phương có 100% đường liên xã được nhựa hóa, nhiều tuyến đường liên thôn được bê-tông hóa; hệ thống thủy lợi kiên cố; nước sạch hợp vệ sinh, trạm y tế đạt chuẩn... Triệu Trạch lựa chọn tiêu chí về thu nhập qua việc xây dựng cánh đồng chất lượng cao. Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch Trương Duy cho biết: Ðây là mô hình sản xuất mới, khuyến khích người nông dân năng động, sáng tạo, nhất là trong sản xuất hàng hóa, góp phần mang lại thu nhập cao trên một đơn vị diện tích.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài và không tránh khỏi những khó khăn, cần sự nỗ lực, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của người dân. Khó khăn nhất hiện nay trong xây dựng NTM ở các địa phương của tỉnh Quảng Trị chủ yếu tập trung vào các tiêu chí, như xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi, giảm hộ nghèo, cơ cấu lao động, môi trường... Muốn hoàn thành những tiêu chí này, ngoài việc huy động nguồn lực trong dân, địa phương cần nguồn vốn khá lớn, bên cạnh đó, hầu hết các xã dựa vào sản xuất nông nghiệp. Việc huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác để xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn, vốn đối ứng của Nhà nước và nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Ðức Chính cho biết: Mặc dù nguồn vốn đầu tư tăng đều qua các năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư xây dựng NTM của các địa phương. Nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư trước đây đang bị xuống cấp do thiếu nguồn vốn duy tu bảo dưỡng, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa... Ðể huy động nguồn lực cho xây dựng NTM, tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và các đơn vị, địa phương cùng chung sức bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Có cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ưu tiên chế biến nông, lâm, thủy sản và dịch vụ nông thôn. Các tổ chức, đoàn thể cần huy động đoàn viên, hội viên thi đua, tham gia xây dựng NTM. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, vận động người dân đóng góp để đạt được các mục tiêu đề ra.

Ðể tháo gỡ khó khăn, bất cập trong xây dựng NTM, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đề án "Huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ trong xây dựng NTM giai đoạn 2014 - 2020", nhằm hoàn thành và duy trì bền vững 19 tiêu chí NTM ở các địa phương. Tất cả nội dung xây dựng NTM thực hiện theo cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trên cơ sở đề án quy hoạch và đề án NTM cấp xã đã được phê duyệt... Theo đó, các địa phương nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí NTM để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân; phát huy cao nguồn lực tại chỗ; lồng ghép các chương trình, dự án; lựa chọn, tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên, tạo sự chuyển biến trên diện rộng, tạo niềm tin đối với người dân vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

 In bài viết
Văn bản điều hành