Huyện Chư Pah: Nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Chư Pah đã có 2 xã đạt 19 tiêu chí (xã Nghĩa Hưng và xã Ia Nhin), 1 xã đạt 11 tiêu chí và 10 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí. Nhờ nỗ lực đó mà bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhất là bà con đồng bào Jrai, Bahnar ở vùng sâu, vùng xa đã có những chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nắng hạn kéo dài đã làm nhiều diện tích cây trồng khô héo, vật nuôi chậm phát triển và giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp nên đời sống của bà con lâm vào cảnh khó khăn. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng NTM ở các địa phương, nhất là những xã đặc biệt khó khăn như Ia Kreng, Hà Tây, Đak Tơ Ver, Chư Đăng Ya... đang là bài toán nan giải. Trước thực trạng này, huyện Chư Pah đã và đang quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng NTM.

Giải pháp hàng đầu là nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo và cách thức tổ chức thực hiện xây dựng NTM của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp xã. “Ia Kreng là xã khó khăn nhất của huyện Chư Pah, dân làng mình đói nghèo triền miên. Trong tình hình khó khăn như vậy, cán bộ xã Ia Kreng tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con thực hiện các phong trào thi đua yêu nước như bảo vệ rừng, hiến đất xây dựng hạ tầng, cải tạo vườn tạp, tạo nguồn sinh kế lâu dài, nâng cao thu nhập cho đồng bào... Nhờ vậy mà xã Ia Kreng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 36%, xây dựng NTM trên địa bàn xã đã đạt 6/19 tiêu chí”- đồng chí Rơ Châm Hyinh-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Kreng bộc bạch.

Huyện Chư Pah có rất nhiều làng, xã thuộc diện Chương trình 135 của Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2015 còn gần 13% (theo tiêu chí hiện hành), tương đương hơn 2.300 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương có trên 2.000 hộ (chiếm hơn 85%). Nguồn thu ngân sách tại chỗ của nhiều xã đạt rất thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách cấp trên. Do vậy, các xã đã xác định mục tiêu, tiêu chí phù hợp với từng làng để có cơ chế tạo ra cách làm ích nước lợi dân.

Nhằm tạo ra nhiều nguồn lực xây dựng NTM, huyện Chư Pah không chỉ phát huy nội lực, vận động sự đóng góp của nhân dân mà còn nhận sự ủng hộ của các doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng NTM, các doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, Công ty cổ phần Thủy điện Ia Ly đã tự nguyện đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ các điều kiện cho bà con người địa phương cải tạo vườn tạp...

Cùng với việc xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các xã đã và đang có những giải pháp cụ thể để nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ cây giống, con giống và các trang-thiết bị kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp, định hướng đầu ra của các sản phẩm sau thu hoạch để bà con an tâm đầu tư công của vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, các xã tiếp tục đổi mới công tác giám sát, đánh giá và kiểm tra các hạng mục công trình. Nhiều địa phương như: Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Phú Hòa, Ia Khươl, Ia Ka.. đã tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia đánh giá tiến độ, chất lượng các mô hình, dự án giảm nghèo và xây dựng những hạng mục công trình cơ bản. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng công trình, xây dựng cơ chế phù hợp để quản lý, vận hành các công trình sau đầu tư.

Tuy còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, nhất định đến năm 2020 huyện Chư Pah sẽ đạt mục tiêu phấn đấu 10 xã đạt chuẩn NTM (19/19 tiêu chí), các xã còn lại đạt từ 13 tiêu chí trở lên”-ông Nê Y Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah tự tin cho biết. 

 In bài viết
Văn bản điều hành