Huyện Na Rì: Nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo

Na Rì là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Kạn, có diện tích tự nhiên hơn 85 ha, gồm 21 xã và 01 thị trấn với 233 thôn, bản, dân số 42.440 người. Đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, điện lưới quốc gia, trạm y tế xã mặc dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xong vẫn còn nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Năm 2016, Huyện ủy Na Rì đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo đã xây dựng và ban hành quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm từng thành viên phụ trách các xã, thị trấn; 22 xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban.

Năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Quyết định số 1187/QĐ-UBND ngày 16/5/2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 705/QĐ-UBND ngày 12/4/2018 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án, chương trình trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện Na Rì cũng ban hành nhiều văn bản tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, như Nghị quyết về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Các xã, thị trấn đã chọn được địa chỉ giảm nghèo tới các hộ gia đình nghèo, Ủy ban nhân xã phân công các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp xã, các tổ chức đoàn thể và hỗ trợ các nguồn lực cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, ngày 27/2/2018, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2018, giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo đến 22 xã, thị trấn. Mục tiêu phấn đấu năm 2018 là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3,54%, tương ứng giảm 352 hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020.

 Thực hiện các chính sách giảm nghèo, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có 341 lượt hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền hơn 11,4 tỷ đồng; 125 lượt hộ cận nghèo vay vốn với tổng số tiền 4,9 tỷ đồng và 19 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền 778 triệu đồng. Cùng với đó, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động cũng được quan tâm như cho 36 dự án vay vốn, tạo việc làm, duy trì việc làm cho 36 lao động, cho vay xuất khẩu lao động 14 lượt hộ. Ngoài ra, huyện đã cấp 36.840 thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách xã hội, trong đó có 9.246 thẻ hộ nghèo, 45 thẻ hộ cận nghèo, 21.194 thẻ dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định.

Đối với chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, trong năm 2018, đã nghiệm thu và giải ngân cho 6 hộ với tổng số tiền 150 triệu đồng, 9 hộ đang thực hiện được 70% khối lượng. Hỗ trợ pháp lý, thiết lập đường đây nóng về trợ giúp pháp lý; Triển khai hỗ trợ tiền điện quý I/2018 cho 3.121 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội; Hỗ trợ sách báo miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa theo quy định.

Bên cạnh đó, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được triển khai trên địa bàn huyện đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của cộng đồng hưởng thụ dự án, đặc biệt là các cộng đồng người nghèo, người dân tộc thiểu số. Thông qua đó, đã góp phần nâng cao dân trí, người nghèo biết áp dụng các biện pháp canh tác, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống. Chương trình 135 đã hỗ trợ đầu tư công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn. Song song với đó, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho đại biểu là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch UBND xã, công chức lao động xã hội, Ban Chỉ đạo, Tổ giám sát rà soát hộ nghèo.

Ông Hoàng Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì cho biết: "Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ kịp thời. Ý thức của người dân trong việc phát triển sản xuất cũng được nâng lên. Trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn được triển khai đồng bộ. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được nhân dân đồng tình ủng hộ và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân thuộc vùng được hưởng lợi từ Chương trình, nguồn vốn đầu tư đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng".

Việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đã góp phần đạt được các chỉ tiêu của Nghị quyết, kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn ĐBKK thuộc Chương trình 135 qua các năm giảm dần; thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống nhân dân được cải thiện, duy trì ổn định số học sinh đến trường, số xã làm chủ đầu tư các công trình, dự án tăng thêm. Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của các hộ dân tham gia thực hiện các mô hình, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua các năm như sau: Năm 2015 tỉ lệ hộ nghèo 40,89%; năm 2016 giảm còn 35,76%; năm 2017 giảm xuống còn 32,16%, dự kiến năm 2018 giảm xuống 28,62%.

Song bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Diễn biến tình hình về thời tiết ngày càng phức tạp, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn. Mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với cán bộ chỉ đạo sản xuất thiếu chặt chẽ, phương pháp làm việc có lúc chưa phù hợp với tập quán địa phương nên việc chuyển đổi cơ cấu còn chậm. Hoạt động khuyến nông mới tập trung vào xây dựng mô hình để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chưa có nhiều mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý sản xuất, xúc tiến thị trường.

Việc thành lập nhóm hộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã để liên kết phát triển sản xuất ở một số xã, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tổng kết, nhân rộng các mô hình còn hạn chế. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp ngành quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên kế hoạch sử dụng lao động tại chỗ sau đào tạo nghề vẫn hạn chế. Một số địa phương triển khai đầu tư mô hình chưa đúng trọng tâm, còn manh mún và giàn trải, chưa tập trung vào các loại cây, con chủ lực theo định hướng phát triển của từng địa phương, còn lúng túng trong việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất cũng như việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Vẫn còn một số bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại, trình độ sản xuất còn hạn chế, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật để chuyển đổi cây con giống có chất lượng cao.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả trong thời gian tới, huyện Na Rì đề xuất hằng năm tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch thông báo vốn sớm cho các địa phương, đồng thời nghiên cứu tăng nguồn lực đầu tư với mức cao hơn, nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, ổn định đời sống, giảm nhanh được tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn. Có chính sách khuyến khích, ưu tiên kêu gọi và thu hút hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn miền núi, nhằm thu hút giải quyết việc làm tại chỗ đối với người dân vùng dân tộc thiểu số.

baodansinh.vn

 In bài viết
Văn bản điều hành