Huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn): Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững

Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và người dân trong huyện, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống đáng kể, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2016, huyện Ngân Sơn có 3.651 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50,96%. Nguyên nhân dẫn đến nghèo chủ yếu là do chưa đạt tiêu chí về thu nhập và thiết hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (3.276 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, 375 hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản). Với con số này, huyện Ngân Sơn  trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Bắc Kạn.

Để tăng cường chỉ đạo công tác giảm nghèo, huyện ban hành quyết định thành lập, kiện toàn BCĐ thực hiện chương trình giảm nghèo, BCĐ thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; phân công thành viên BCĐ phụ trách, theo dõi, giúp đỡ các xã, thị trấn. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về chương trình, dự án giảm nghèo tới đối tượng thụ hưởng; hộ nghèo, hộ cận nghèo khi tham gia chương trình, dự án đều được hỏi ý kiến và lấy nhu cầu trực tiếp của các hộ, để họ chủ động tham gia. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai dân chủ đến các thôn bản và theo nhu cầu, nguyện vọng phát triển sản xuất của người dân nên được người dân đồng tình hưởng ứng.

Nhờ đó, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã đạt được mục tiêu đề ra, giúp người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở… Từ năm 2016 đến tháng 6/2018, huyện Ngân Sơn có 2.016 hộ nghèo được vay mới từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ đến thời điểm hiện tại là hơn 86,7 tỷ đồng, có 2.297 hộ nghèo dư nợ; Hộ cận nghèo vay mới 219 hộ, đến thời điểm hiện tại có 246 hộ cận nghèo vay, với dư nợ 17,619 tỷ đồng; Vay giải quyết việc làm có 83 lao động vay mới, tổng số vay giải quyết việc làm đến thời điểm hiện tại là 172 lao động với tổng dư nợ hơn 6,1 tỷ đồng.

Huyện đã thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg. Từ năm 2016 đến nay, mở được 15 lớp dạy nghề cho 448 lao  động. Người lao động sau khi học nghề đã biết áp dụng kiến thức vào sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Thường xuyên chỉ đạo công tác giải quyết việc làm cho người lao động, hằng năm xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu phấn đấu tạo việc làm mới cho các xã, thị trấn để thực hiện. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, huyện đã có 1.139 lao động được tạo việc làm mới, trong đó xuất khẩu lao động 66 người.

Các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục được quan tâm thực hiện. Hằng năm, toàn huyện đã cấp trên 22 nghìn thẻ BHYT cho người nghèo, người sống ở vùng dân tộc thiểu số… Thực hiện miễn giảm học phí cho 6.319 học sinh, hỗ trợ chi phí học tập cho 8.125 em; hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh khuyết tật theo định mức quy định. Đối với chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33, từ năm 2016-2017, huyện Ngân Sơn có 33 hộ nghèo được hỗ trợ với kinh phí 800 triệu đồng, năm 2018 được cấp kinh phí hỗ trợ 8 nhà, hiện nay đang thực hiện.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý chi nhánh huyện thực hiện tốt việc tiếp công dân và trợ giúp pháp lý khi đối tượng có nhu cầu trợ giúp. Kết quả từ năm 2016 đến tháng 6/2018, toàn huyện đã thực hiện trợ giúp cho 43 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn. Cấp hơn 55.156 số báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo theo quy định.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong 3 năm (2016-2020), huyện Ngân Sơn được ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 40,2 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư sự nghiệp 29,9 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 10,2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trong năm 2016, đã đầu tư xây dựng 14 công trình, gồm 05 công trình thủy lợi, 04 công trình giao thông, 04 công trình trường học, 01 công trình khác. Năm 2017, đầu tư xây dựng 19 công trình và năm 2018 đầu tư xây dựng 26 công trình. Ngoài ra, còn triển khai hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, đối với dự án trồng trọt, huyện đã hỗ trợ giống cây ăn quả như cây mận hậu chín sớm, cây trám, cây quýt, hồng không hạt, cây na dai, cây lê địa phương; hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng.

Dự án chăn nuôi đã hỗ trợ giống vật nuôi, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc vật nuôi. Sau khi được hỗ trợ phát triển sản xuất, đã có 1.347 hộ được hưởng lợi, trong đó có 101 hộ thoát nghèo.

Song song với đó, huyện Ngân Sơn đã hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, 100% người dân trên địa bàn xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất, tình hình phát triển kinh tế xã hội qua truyền hình, truyền thanh, internet và các thông tin truyền thông khác. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho ban giảm nghèo xã, trưởng thôn, bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận…

  Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình giảm nghèo, huyện Ngân Sơn đã giảm số hộ nghèo qua từng năm. Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn huyện còn 3.347 hộ nghèo/7.251 hộ, chiếm tỷ lệ 41,16%; năm 2017 có 3.103 hộ nghèo/7.323 hộ, chiếm tỷ lệ 42,17%, giảm 3,79% so với năm 2016. Tính chung, từ năm 2016-2017, huyện đã giảm được 8,17% tỷ lệ hộ nghèo, đạt mục tiêu so với Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện và so với kế hoạch giai đoạn của huyện, tỉnh đề ra (mỗi năm giảm từ 3,5 – 4%).

 Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, huyện Ngân Sơn gặp một số khó khăn nhất định như: Kinh phí dành cho các dự án của chương trình giảm nghèo 100% nguồn ngân sách trung ương cấp, nguồn huy động khác và nguồn của địa phương chưa có; Hộ nghèo tham gia các mô hình giảm nghèo chưa thật sự tích cực; Tiến độ thực hiện Chương trình 135 còn chậm, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế…

Ông Doanh Thiêm Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho rằng, trên cơ sở kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế, để việc triển khai chính sách giảm nghèo đạt hiệu quả, trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý phải kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình, kiện toàn khi có thay đổi về nhân sự và phân công các thành viên phụ trách, theo dõi từng địa bàn cụ thể. Thương xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại đơn vị được phụ trách, kịp thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn.

Bên cạnh đó, các dự án, mô hình giảm nghèo được lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của địa phương và đúng với nhu cầu của hộ tham gia, tránh việc thực hiện để giải ngân nguồn vốn và không đem lại hiệu quả. Đồng thời, phải phát huy tinh thần trách nhiệm của hộ tham gia dự án, khi kết thúc dự án phải thực hiện tái đầu tư, tránh tình trạng dự án kết thúc không có vốn để đầu tư thực hiện tiếp.

baodansinh.vn

 In bài viết
Văn bản điều hành