Kết quả 4 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II ở Kiên Giang

Kiên Giang là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ, có đặc điểm địa lý tự nhiên gồm: đồng bằng, rừng núi và gần 60 km đường biên giới đất liền với nước bạn Căm Phu Chia; có cửa khẩu quốc tế, quốc gia; Với trên 140 hòn đảo lớn nhỏ. Kiên Giang là tỉnh có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh của khu vực và quốc gia. Diện tích tự nhiên 634.613 ha; dân số chung toàn tỉnh 1.705.054 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 252.225 người, chiếm 14,88% (riêng đồng bào Khmer là 214.979 người, chiếm 12,68%).

Trong những năm qua, các xã đặc biệt khó khăn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua việc thực hiện tốt chính sách dân tộc và các chương trình dự án đầu tư trên địa bàn; kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng đầu tư. Hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên. Năm 2006 tỉnh Kiên Giang có 28 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135, đến nay có 10 xã đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 và đã ra khỏi chương trình, còn lại 18 xã và 6 ấp khu vực II, thuộc diện được đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II. Đến nay, tất cả 28/28 xã đặc biệt khó khăn được giao làm chủ đầu tư Chương trình 135.

Sau 4 năm (2006-2009) triển khai thực hiện với tổng kinh phí là 68.392 triệu đồng, trong đó: Vốn Trung ương 25.913 triệu đồng và ngân sách địa phương 42.479 triệu đồng. Được phân bổ cho 4 hợp phần cụ thể:

Về Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, vốn thực hiện từ 2006 đến 2009 là 2.800 triệu đồng. Riêng năm 2009 là 1.000 triệu đồng, được giao cho Uỷ ban nhân dân huyện Kiên Lương làm chủ đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân được 200 triệu đồng, (đạt 20% kế hoạch). Kết quả thực hiện, đã tổ chức tập huấn 12 lớp cho 460 học viên; Thành lập 40 câu lạc bộ khuyến nông và cấp vật tư, cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho các câu lạc bộ hoạt động; Mở 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật và hỗ trợ vật tư, cây giống phục vụ sản xuất của đồng bào; Mở 25 lớp tập huấn hướng dẫn áp dụng khoa học-kỹ thuật sản xuất nuôi trồng cho đồng bào các xã biên giới.

Về Dự án phát triển cơ sở hạ tầng, tổng nguồn vốn đầu tư năm (2006-2008) là 48.800 triệu đồng, trong đó vốn Trung ương là 15.000 triệu đồng và vốn địa phương là 33.800 triệu đồng. Kết quả đã thực hiện 157 công trình. Năm 2009, với kinh phí 15.300 triệu đồng, trong 6 tháng đầu năm đã triển khai xây dựng 43 công trình các loại.

Về Dự án đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, ấp và cộng đồng, với tổng số vốn được Trung ương cấp là 1.050 triệu đồng. Trong những năm qua đã tổ chức mở được 37 lớp tập huấn cho 3.746 học viên tham dự. Năm 2009 nguồn vốn được giao 300 triệu đồng, trong 6 tháng đầu năm 2009 đã giải ngân được 75 triệu đồng, (đạt 25% kế hoạch). Tổ chức hai lớp tập huấn cho 123 học viên tham dự.

Thực hiện chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật. Tổng số vốn được Trung ương cấp từ năm 2007 đến 2009 là 7.600 triệu đồng. Đã hỗ trợ cho 710 cháu mẫu giáo và 201 học sinh bán trú con hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Hỗ trợ cho 232 hộ đồng bào nghèo di dời, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại và hỗ trợ cho 5 xã biên giới hoạt động văn hóa thông tin, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Ngoài số vốn được đầu tư theo Chương trình 135, các xã đặc biệt khó khăn còn được tỉnh chủ động đầu tư lồng ghép các chương trình dự án khác như: kiên cố hóa trường học; Trạm y tế xã; các dự án về giao thông; Thủy lợi; Điện, nước sinh hoạt, chợ vv. Với tổng số vốn đầu tư khoảng trên 150 tỷ đồng. Đồng thời các xã thuộc Chương trình 135 còn được hưởng các chính sách như: Chính sách Tín dụng; Chính sách An sinh xã hội và Chính sách giáo dục, v.v. Từ đó đã phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội toàn diện của chương trình.

Theo đánh giá sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình 135 của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, trong những năm qua, đã đầu tư xây dựng được hàng trăm cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc và miền núi của tỉnh, hầu hết các công trình đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.

Đến nay đã có 26/28 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; Có 27/27 xã có điện lưới quốc gia, có Bưu điện văn hóa xã, có trường trung học cơ sở, một số nơi có trường trung học phổ thông liên xã, hầu hết trường lớp được xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Có 21/28 xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Các công trình thủy lợi đã xây dựng, đảm bảo phục vụ khoảng 90% diện tích đất sản xuất cho đồng bào; Có 79,62% số hộ được sử dụng điện và 77,93% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Các hợp phần thuộc Chương trình 135 đã góp phần hỗ trợ tích cực cho đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao kỹ năng lao động và thay đổi tư duy làm ăn tích cực, xây dựng tập quán sản xuất mới, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thêm thu nhập, đời sống kinh tế của đồng bào ngày càng được nâng lên, số hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn hàng năm giảm xuống rõ rệt. Năm 2006, toàn tỉnh có 13.018 hộ nghèo, chiếm 18,55%; trong đó có 5.537 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,55%. Đến năm 2009 toàn tỉnh còn 6.486 hộ nghèo, trong đó có 3.241 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng trên 16% (giảm gần 50%).

Bên cạnh đó trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện xây dựng và tăng cường các thiết chế văn hóa tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thực hiện khá tốt một số chính sách hỗ trợ vật chất để tổ chức các lễ hội, ngày tết truyền thống, trang bị nhạc cụ, tủ sách pháp luật và một số phương tiện để duy trì, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào. Chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc được nâng lên cả về thời lượng và chất lượng. Tỉnh dành nhiều kinh phí cho đoàn nghệ thuật Khmer tổ chức lưu diễn thường xuyên tại các địa phương phục vụ đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, cũng còn một số vấn đề cần quan tâm.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II của các bộ, ngành Trung ương còn chậm, có những quy định khó thực hiện (nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất).

Ban chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh chưa tập trung chỉ đạo và tổ chức kiểm tra thường xuyên, sâu sát. Nhất là việc cụ thể hóa và ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo cho các địa phương chưa kịp thời, chưa phân công các thành viên theo dõi giúp đỡ các huyện, xã một cách cụ thể trong việc thực hiện chương trình; Việc sơ kết và nhân rộng điển hình của địa phương chưa thực hiện kịp thời, công tác báo cáo thỉnh thị của các cấp chưa thường xuyên, đầy đủ, chưa đúng quy định chung.

Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, thẩm định, phê duyệt và tổ chức đấu thầu, giao thầu của nhiều dự án tiến hành chưa tốt. Mặc dù tất cả các xã đã làm chủ đầu tư, nhưng nhìn chung về trình độ năng lực của nhiều cán bộ xã được giao thực hiện còn nhiều hạn chế, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện công trình cũng như việc giải ngân và thanh quyết toán công trình chậm; Quy trình thực hiện dân chủ công khai trong việc thực hiện các dự án ở một số xã cũng còn nhiều hạn chế. Ban giám sát của xã hoạt động còn mang tính hình thức. Công tác tuyên truyền quán triệt trong nội bộ và nhân dân cũng còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của chương trình đầu tư vào các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đánh giá sơ kết Chương trình 135 giai đoạn II, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, được hầu hết nhân dân đồng thuận. Hiệu quả của Chương trình 135 đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã đặc biệt khó khăn, giải quyết được nhiều nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, chữa bệnh, học hành và sinh hoạt của một bộ phận nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới nói riêng. Các chính sách đã được đầu tư đúng địa bàn, đúng đối tượng, hạn chế tối đa thất thoát và phát huy hiệu quả cao; thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nhanh các hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các dân tộc, giữa các vùng miền. Chương trình 135 giai đoạn II đã thu được nhiều kết quả có ý nghĩa to lớn về chính trị-kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Xuân Châu
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 8/2009)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành