Kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II ở Hòa Bình
Chương trình 135 giai đoạn II tỉnh Hòa Bình được Chính phủ phê duyệt cho 64 xã vùng cao, 73 xã đặc biệt khó khăn và 94 thôn, bản thuộc 39 xã vùng 2. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Hòa Bình được cấp để thực hiện các hợp phần của Chương trình 135 giai đoạn II (gọi tắt là Chương trình) là 475. 716 triệu đồng. Bao gồm dự án hỗ trợ sản xuất 76.609 triệu; phát triển cơ sở hạ tầng 338.665 triệu; đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở 22.610 triệu; hỗ trợ dịch vụ, trợ giúp pháp lý và nâng cao đời sống nhân dân 37.832 triệu. Nhìn chung, các dự án đã phát huy hiệu quả, giúp đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh được nâng lên đáng kể.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc Hòa Bình, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 537 công trình trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó có 66 công trình điện sinh hoạt; 141 công trình trường, lớp học; 124 công trình thủy lợi; 153 công trình giao thông nông thôn; 19 trạm y tế; 18 nhà sinh hoạt cộng đồng; 7 công trình chợ và 8 công trình nước sinh hoạt tập trung. Năm 2010, tỉnh tiếp tục thực hiện 57 công trình với tổng vốn đầu tư 91 tỷ đồng, đến giữa năm đã hoàn thiện được khoảng 45% kế hoạch đề ra. Điều đáng nói, Hòa Bình thực hiện chủ trương giao cấp xã làm chủ đầu tư các công trình có giá trị dưới 500 triệu đồng (năm 2008) và 800 triệu đồng (năm 2009) đã cho thấy hiệu quả nhất định. Công trình phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu của địa phương; công tác giám sát được tiến hành dân chủ... Tuy nhiên, cơ chế này cũng bộc lộ một số hạn chế trong năng lực quản lý, điều hành của cán bộ xã.
Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cơ sở và người dân đã trực tiếp giúp cho hàng trăm lượt cán bộ cơ sở có thêm kiến thức trong lãnh đạo, quản lý; có gần 21 ngàn lượt người có thêm kỹ năng sản xuất; các xã đã tạo thêm nhiều việc làm khi thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng thông qua mục tiêu “xã có công trình, dân có việc làm”. Công tác dạy nghề cho đối tượng là thanh niên người dân tộc thiểu số bước đầu đã mang lại hiệu quả. Nhiều người đã biết áp dụng kiến thức được học để phát triển sản xuất, tạo việc làm xóa đói, giảm nghèo.
Công tác hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật đã được thực hiện hiệu quả. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho gần 23 ngàn lượt học sinh con em hộ nghèo; hàng ngàn hộ được hỗ trợ cải thiện vệ sinh, môi trường; thực hiện chế độ thu hút, ưu đãi đối với học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn... Tỉnh cũng đã thành lập 73 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với gần 3 ngàn hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Bên cạnh đó, trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức được 105 đợt tuyên truyền lưu động tới các đối tượng thuộc xã nghèo. Qua đó nhận thức về luật dân sự, khiếu nại bố cáo, dân số hay về đất đai của bà con được nâng lên, hạn chế những thắc mắc không đáng có, giúp chính quyền địa phương có thêm thời gian tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, thực hiện an sinh xã hội.
Mặc dù đời sống của nhân dân các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh đã có bước tiến đáng kể nhưng thực tế là hơn 4 năm qua, Hòa Bình chưa có xã nào đủ điều kiện thoát khỏi Chương trình. Đây là thực tế đáng lo ngại bởi nó cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện Chương trình tại địa bàn chưa đáp ứng được mục tiêu Chương trình đề ra. Một số nguyên nhân chủ quan được chỉ ra là do năng lực của cấp ủy, chính quyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều hạn chế, tâm lý ỷ lại vào tiền nhà nước, không chịu phát huy tiềm năng, thế mạnh để tự phát triển còn nặng nề. Trong khi đó, một bộ phận đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cấp trên còn nặng về thủ tục hành chính, chưa sâu sát cơ sở, thiếu sự quản lý, công tác tuyên truyền còn hời hợt, hình thức... Cũng phải kể đến một số nguyên nhân khách quan như điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội cùng đặc biệt khó khăn còn thấp, nhiều thiên tai, dịch bệnh; mức vốn đầu tư của Chương trình thấp do phải dàn trải nên hiệu quả chưa cao, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư cho sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cũng phải kể đến việc ban hành văn bản, hướng dẫn của cấp trên còn chậm, đôi khi chồng chéo khiến cơ sở rất khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn...
Việt Dũng
[TT:T.V.T]