Kết quả thực hiện chương trình 135 ở tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên có 44 xã và 53 xóm thuộc xã khu vực II được hưởng Chương trình 135 giai đoạn II. Giám sát của Ban Dân tộc-Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II của tỉnh từ năm 2006 đến nay đạt kết quả khá tốt ở tất cả các khâu: Cụ thể hóa những văn bản hướng dẫn của Trung ương; hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án các cấp; tổ chức thực hiện các dự án thành phần; duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư…

Tổng kinh phí được giao là 234.389 triệu đồng, đã thực hiện được 208.696,8 triệu đồng, bằng 89,04% kế hoạch. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giai đoạn 2006-2009 kế hoạch giao 147.000 triệu đồng, đã thực hiện được 143.060,4 triệu đồng, bằng 97,32% kế hoạch với 290 công trình. Trong đó có 116 công trình giao thông, 27 công trình thủy lợi, 07 công trình điện, 93 trường học, 05 chợ, 31 nhà văn hóa và 11 trạm y tế. Việc quy hoạch, lựa chọn các công trình, giám sát công trình đảm bảo dân chủ, công khai rộng rãi tới nhân dân. Việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đầu tư, thực hiện đầu tư, lựa chọn nhà thầu, giám sát thi công, nghiệm thu công trình, bàn giao công trình, quản lý, sử dụng, duy tu bảo dưỡng công trình theo đúng quy định hiện hành. Nhân dân đã có sự tham gia đóng góp một phần công sức, tiền và đất đai cho việc xây dựng các công trình. Các công trình cơ bản được đảm bảo khối lượng, chất lượng theo thiết kế và đã phát huy tác dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân địa phương.

Các dự án phát triển sản xuất giai đoạn 2006-2009, kế hoạch được giao 30.800 triệu đồng. Đã thực hiện được 20.343,8 triệu đồng, bằng 98,52% kế hoạch với 24.447 hộ được thụ hưởng. Dự án gồm các việc: tập huấn, tham quan, xây dựng mô hình; hỗ trợ giống lúa, ngô, chè cành, tre lấy măng, gốc lai xuất khẩu, trám ghép… giống trâu bò sinh sản, bò đực lai sind, lợn nái, gia cầm; hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất như máy bơm, máy cày mini, máy làm đất, máy gieo xạ, máy tuốt lúa, bình phun thuốc… máy chế biến như máy tẽ ngô, máy vò chè, máy sao chè, máy xay sát... Dự án đã góp phần làm tăng năng lực sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… và tăng thu nhập cho nhân dân.

Dự án đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng, giai đoạn 2006-2009, kế hoạch được giao 10.180 triệu đồng, đã thực hiện được 30.343,8 triệu đồng, bằng 99,47 % kế hoạch với 41.305 lượt người tham dự. Trong đó tập trung ngắn hạn 76 lớp/4907 người, bồi dưỡng tại chỗ 563 lớp/35.627 người, dạy nghề 27 lớp/771 lượt người. Qua đào tạo, bồi dưỡng trình độ cán bộ cơ sở được nâng lên một bước về kiến thức về quản lý; người dân được bổ sung kiến thức mới về kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi, làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất cũ…

Chính sách hỗ trợ các dịch vụ gồm hỗ trợ học sinh con hộ nghèo; hỗ trợ làm nhà vệ sinh, di chuyển chuồng trại gia súc; hỗ trợ hoạt động văn hóa và trợ giúp pháp lý.Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện đúng quy định., danh sách người thụ hưởng chính sách được bình xét từ các xóm, bản, đảm bảo công khai, dân chủ. Tổng số vốn theo kế hoạch là 40.138 triệu đồng, mới thực hiện được 19.749 triệu đồng, bằng 49,2% kế hoạch (tháng 11/2009 mới có kinh phí, ngay sau đó tỉnh đã giao kế hoạch cho các huyện để các huyện triển khai tới các cơ sở).

Việc duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư thực hiện theo Quy định duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng ban hành kèm theo Quyết định 1742/QĐ-UBND ngày 23/7/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tổng số vốn theo kế hoạch là 5.382 triệu đồng, đã thực hiện được 4.534 triệu đồng, bằng 84,25% kế hoạch.

Năm 2010, tổng vốn được giao là 87.529 triệu, chưa kể vốn hỗ trợ cải thiên vệ sinh môi trường và vốn hỗ trợ học sinh nghèo năm 2009 còn lại ở các huyện. Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các huyện đã có quyết định giao kế hoạch chi tiết cho 212 công trình; trong đó, trả nợ 122 công trình, chuyển tiếp 04 công trình và khởi công mới 86 công trình. Các lớp tập huấn cán bộ cơ sở và dạy nghề cho thanh niên dân tộc đã được tỉnh và các huyện xây dựng chương trình và phê duyệt để tổ chức thực hiện. Dự án hỗ trợ sản xuất, các huyện đã giao kế hoạch cho các xã để bình xét những hộ được hỗ trợ. Các huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên và Võ Nhai đã hỗ trợ học sinh nghèo, các huyện khác đang rà soát để phê duyệt, cấp phát.

Chương trình 135 là một trong những chính sách lớn, quan trọng và đa mục tiêu của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng cao có nhiều khó khăn để rút ngắn khoảng cách về kinh tế- xã hội giữa miền núi và đồng bằng, đô thị. Đây là cũng là công việc khó khăn vì triển khai ở những nơi có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, địa hình và dân trí…Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở vùng thụ hưởng chính sách, đến nay Chương trình 135 ở tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả khá tốt, cơ sở hạ tầng được bổ sung, hoàn thiện thêm, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển; bộ mặt nông thôn miền núi, vùng cao có nhiều đổi thay rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể; năng lực cán bộ ở cơ sở và nhận thức của nhân dân được nâng lên về nhiều mặt … Có thể nói, những gì có được ở miền núi, vùng cao hiện nay là do kết quả của Chương trình 135 và những chính sách khác của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời với những kết quả quan trọng đó, trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ những thiếu sót, hạn chế cần tích cực khắc phục như: tổng nguồn vốn đầu tư là rất lớn nhưng kết quả chưa thật tương xứng mà có thể còn tốt hơn; việc triển khai kế hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện có việc, có nơi chưa kịp thời; công tác khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát các công trình cần được quan tâm hơn để đảm bảo chất lượng, hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, khắc phục sai sót cần phải thường xuyên, kịp thời hơn, việc hỗ trợ sản xuất cần phải sát với nhu cầu thực tế của địa phương và từng hộ; việc dạy nghề cho nhân dân cần có sự lựa chọn để sát thực, hiệu quả hơn; trong công tác phối hợp, cần làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, tổ chức, ví dụ những sai sót trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và điều rất quan trọng là cùng với việc hỗ trợ về vật chất phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực vươn lên xóa nghèo, khắc phục tư tưởng ỷ lại…

Những kết quả đạt được của Chương trình 135 ở tỉnh ta từ 2006 đến nay là rất phấn khởi.Tuy nhiên đến nay khoảng cách kinh tế- xã hội giữa những vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng cao so với đô thị và đồng bằng, trung du vẫn là sự khác biệt rất đáng kể. Vì vậy các địa phương kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục có Chương trình 135 giai đoạn III. Trong đó đề nghị tập trung vào những vấn đề cơ bản là hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng như các công trình giao thông, thủy lợi, điện. Đồng thời phải quan tâm đến việc duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư và hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Theo Tạp chí Dân tộc
[TT: T.V.T]

 In bài viết
Văn bản điều hành