Kết quả thực hiện chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Lạng sơn

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn 61 xã và 47 thôn đặc biệt khó khăn được hưởng lợi từ Chương trình 135 giai đoạn II. Từ nguồn vốn của Chương trình, nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây mới, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Là tỉnh miền núi, hệ thống hạ tầng còn nghèo nàn, thiếu thốn. Chính vì vậy, Chương trình 135 giai đoạn II đã tiếp thêm nguồn lực cho Lạng Sơn phát triển, đặc biệt trong công tác xây dựng hạ tầng.

Tổng vốn đầu tư cho 4 hợp phần thuộc Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh là 90 tỷ đồng. Trong đó, riêng hợp phần xây dựng hạ tầng trên 55 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng 155 công trình.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bản tỉnh Lạng Sơn đã phát huy nội lực, tranh thủ đầu tư từ các chương trình, dự án, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng chăm lo phát triển kinh tế-xã hội để đời sống người dân nơi đây dần khởi sắc. Tính đến thời điểm này các công trình đều hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng kế hoạch. Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Thình, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Quang Trung (huyện Bình Gia) cho biết: “Trước đây, hệ thống giao thông nông thôn của xã rất yếu kém, bà con đi lại thông thương rất khó khăn, người dân trong vùng chăn nuôi, trồng trọt cũng nhiều nhưng không tiêu thụ được, không trao đổi được hàng hoá, gây cản trở cho công tác xoá đói giảm nghèo, nên đời sống đã nghèo còn nghèo hơn. Từ khi được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II, hệ thống giao thông từ trung tâm xã tới các thôn bản đã được cải thiện. Có đường, bà con mừng lắm. Những công trình đó thực sự là những công trình hợp lòng dân”.

Chúng tôi tới thôn Khòn Chè, xã Tam Gia (huyện Lộc Bình) đúng thời điểm công trình cấp điện sinh hoạt từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Không khí thôn bản khi có điện trở nên nhộn nhịp hơn, phá vỡ sự yên tĩnh từ bao đời nay trên mảnh đất biên giới này. Nhờ có điện, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Công trình điện Khòn Chè được thực hiện theo cơ chế lồng ghép với các chương trình khác để tăng hiệu quả đầu tư, tạo được sự tin tưởng của người dân, đời sống của họ từng bước được cải thiện.

Kinh tế phát triển, đồng bào trong xã đã mua sắm được ti vi, radio, xe máy. Số hộ nghèo giảm nhanh, đã có hộ giàu và hộ khá. Cùng với việc phát triển kinh tế, xã Tam Gia còn chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Trước đây, số học sinh đến trường chỉ đếm trên đầu ngòn tay, trong xã hầu như không có ai học các trường chuyên nghiệp, vậy mà mấy năm gần đây con em đi học trong xã ngày một đông. Và niềm vui mừng hơn cả là xã ngày càng có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Cùng với phát triển giáo dục-đào tạo cấp uỷ, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong xã quan tâm đến phong trào xây dựng gia đình văn hoá ở khu dân cư, phong trào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống văn hoá, thực hiện việc cưới, việc tang, theo nếp sống mới, được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Có dịp đến các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mới thấy được hết ý nghĩa của Chương trình 135 giai đoạn II. Các công trình đã thực sự phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, giúp người dân các xã đặc biệt khó khăn từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo và mang một diện mạo nông thôn mới.

Hoàng Đức

 In bài viết
Văn bản điều hành