Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững và sau hai năm thực hiện NQ 30a của CP
Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Thời gian qua, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Lai Châu đã có những chuyển biến mới.
Những kết quả bước đầu
Tỉnh Lai Châu có 5 huyện là Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè nằm trong 61 huyện nghèo của cả nước. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết một cách quyết liệt. Qua hai năm nhưng kết quả đạt được là rất ấn tượng, tạo niềm tin vững chắc của người dân vùng sâu, vùng xa đối với Đảng và Nhà nước.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả ngay từ ngày đầu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu đã mở hội nghị với đối tượng là cán bộ chủ chốt của 5 huyện, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cấp tỉnh quán triệt sâu sắc các quan điểm, làm rõ cơ chế chính sách, thảo luận kỹ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo ở 5 huyện. Các huyện đều thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a theo đúng hướng dẫn của Trung ương. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn cụ thể việc xây dựng đề án giảm nghèo nhanh và bền vững. Ban chỉ đạo các huyện tổ chức hội nghị với cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn để quán triệt nội dung Nghị quyết và hướng dẫn xây dựng đề án giảm nghèo của từng xã, thị trấn, sau đó phân công thành viên Ban chỉ đạo huyện xuống cơ sở phối hợp cùng chủ tịch UBND xã rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng các hộ nghèo, nguyên nhân nghèo đói của từng hộ, tổ chức họp dân để thống kê nhu cầu từng hộ, điều đó vừa đảm bảo tính khách quan, trung thực, chính xác vừa làm rõ trách nhiệm và thái độ phối hợp của người dân khi triển khai thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở đó xây dựng đề án cụ thể của từng xã, tổng hợp xây dựng đề án của huyện, trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi đề án được duyệt, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng tháng, từng quý.
Công tác tuyên truyền để cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, người dân hiểu đúng ý nghĩa, tầm quan trọng, các cơ chế, chính sách đề ra trong chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP được coi trọng, nhất là qua hoạt động tuyên truyền của cán bộ, qua các buổi họp thôn... tạo ra sự đồng thuận, sự phối, kết hợp giữa người dân với các cơ quan chức năng nên các dự án triển khai đều khá thuận lợi, sớm mang lại hiệu quả.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo của các huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn cho các xã, thị trấn nếu có trong giải ngân, giải phóng mặt bằng, khởi công, thi công các công trình...Vì vậy, hàng trăm dự án được tiến hành đồng thời ở cả 5 huyện, tạo ra không khí hồ hởi, phấn khởi tấn công đẩy lùi đói nghèo trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; các dự án cơ bản thực hiện đúng tiến độ đã tạo nên sự chuyển biến bước đầu rất đáng ghi nhận.
Một số kết quả đạt được trong thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững và Nghị quyết 30a
Làm nhà cho hộ nghèo: Thực hiện Quyết định 134 và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2006 - 2010 hỗ trợ làm nhà ở cho 20.976 hộ nghèo xoá nhà tranh tre, dột nát với kinh phí 129.943 triệu đồng; ngoài ra từ quỹ vì người nghèo đã hỗ trợ cho trên 1.500 hộ nghèo góp phần giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống yên tâm làm ăn với phương châm “3 cứng”: Mái cứng (mái nhà lợp ngói hoặc tấm lợp Prô-xi măng); tường cứng (tường xây, ốp ván gỗ hoặc toóc xi); nền cứng (nền nhà lát gạch hoặc láng xi măng).
Tín dụng ưu đãi cho người nghèo: Đến năm 2010 ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho các hộ nghèo vay phát triển sản xuất với tổng số tiền là 592.795 triệu đồng, với 48.785 lượt hộ vay. Ngoài ra năm 2009 thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã cho 2.415 hộ nghèo vay vốn để làm nhà ở, số vốn vay là 19.291 triệu đồng.
Chương trình khuyến nông - khuyến lâm cho hộ nghèo: Hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, khuyến nông, khuyến lâm đã được các cấp và ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong giai đoạn 2006 - 2010 đã xây dựng được 14 mô hình khuyến nông - khuyến lâm, 9 dự án khuyến công và 3.760 lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn, kinh phí thực hiện là 4.948 triệu đồng. Sau khi triển khai các mô hình người dân tại các xã được hưởng thụ mô hình được học tập các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tiến tiến để áp dụng vào sản xuất nâng cao thu nhập.
Hỗ trợ sản xuất: Đã thực hiện hỗ trợ sản xuất cho 71.137 lượt hộ nghèo, kinh phí 71.620 triệu đồng từ nguồn vốn 135. Các hộ nghèo được hỗ trợ giống, phân bón và vật tư phục vụ sản xuất.
Chương trình hỗ trợ giáo dục cho người nghèo: Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học phí, sách giáo khoa, văn phòng phẩm cho học sinh miễn phí, hỗ trợ học bổng học sinh thuộc diện nghèo. Số lượt học sinh nghèo và học sinh dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí, văn phòng phẩm, các khoản xây dựng là 790.605 lượt học sinh, với kinh phí thực hiện là 28 tỷ đồng.
Chương trình hỗ trợ y tế cho người nghèo: Số lượt người nghèo được mua thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí là 1.273.371 lượt người, với kinh phí thực hiện là 226.497 triệu đồng. Để góp phần cho người nghèo giảm bớt gánh nặng khi gặp phải bệnh tật.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ xoá đói giảm nghèo: Trong giai đoạn 2006 - 2010 đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 1.492 lượt cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo, với tổng kinh phí thực hiện 934 triệu đồng. Dự án góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo, để góp phần triển khai có hiệu quả các chính sách về xoá đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước như chương trình Nghị Quyết 30a của Chính phủ, Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở...
Đào tạo nghề cho người nghèo: Đã tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 6.649 lao động thuộc các gia đình nghèo, kinh phí thực hiện 3.990 triệu đồng. Những nghề được đào tạo là: Kỹ thuật nông, lâm nghiệp tổng hợp, kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, thêu dệt thổ cẩm, kỹ thuật trồng nấm... là những nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh, phù hợp với lao động nông thôn miền núi. Các học viên sau khoá đào tạo nghề ngắn hạn được nâng cao về trình độ, kỹ thuật canh tác, sản xuất, tăng thu nhập và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Trợ giúp pháp lý cho người nghèo: Đã tổ chức duy trì sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo ngoài 135, tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho 1.430 người, tuyên truyền pháp luật cho 9.547 lượt người và in ấn, phát hành tờ gấp pháp luật; kinh phí thực hiện 630 triệu đồng. Hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua đã bám sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo tại các xã nghèo ngoài 135, các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và pháp luật về trợ giúp pháp lý, người dân được cung cấp những thông tin pháp luật, được giải đáp những thắc mắc về pháp luật góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Trải qua 4 năm thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững và 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, tình hình ở các huyện nghèo của Lai Châu đã có những chuyển biến mà bất cứ người dân nào cũng cảm nhận được đó là: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ theo thống kê năm 2010 giảm còn 21,94%. Hàng nghìn hộ gia đình nhiều năm qua nghèo khó không làm được nhà ở hoặc phải sống trong những căn nhà tạm bợ thì đã được chuyển đến ở trong căn nhà mới, khang trang, chắc chắn; điện lưới quốc gia đã được đầu tư về đến trung tâm xã, hàng nghìn hộ gia đình được nghe đài, xem ti vi; cái đói, cái nghèo đã bớt đi do được hỗ trợ vốn để mua cây, con giống, phát triển nghề phụ tạo ra thu nhập lớn hơn những năm trước; hàng ngàn đứa trẻ có thêm quần áo ấm, sách bút, đồ dùng học tập để đến trường... niềm tin của nhân dân ở đây với Đảng và Nhà nước tăng lên rõ rệt.
Và một số vấn đề cần tiếp tục giải quyết
Có được kết quả nêu trên là do: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng cấp tỉnh, huyện ủy, HĐND, UBND các huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững và Nghị quyết 30a; làm tốt công tác tuyên truyền tạo ra sự đồng thuận, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với cấp cơ sở và người dân; tăng cường công tác kiểm tra giám sát từ cấp tỉnh đến huyện đối với tiến độ thực hiện các dự án; dân chủ trong xây dựng các dự án nên tính khả thi của các dự án cao.
Tuy nhiên theo chuẩn nghèo mới tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh vẫn còn chiếm khá cao(58% tổng dân số của tỉnh). Để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ thiết nghĩ tỉnh cần tháo gỡ một số vấn đề trong thời gian tới đó là:
Thứ nhất: Việc hướng dẫn, cụ thể hóa một số nội dung, chính sách, cơ chế trong Nghị quyết của các bộ, ngành trung ương còn chậm, thiếu sự thống nhất làm cho quá trình xây dựng các dự án ở cơ sở lúng túng, chậm tiến độ.
Thứ hai: Một số chính sách đặc thù được nêu trong nghị quyết chưa có hướng dẫn cụ thể như quy định về đầu tư, đấu thầu, xây dựng, chính sách ưu đãi đối với giáo viên, học sinh, y tế...
Thứ ba: Một số định mức hỗ trợ của Trung ương về xây dựng phòng học, nhà ở cho giáo viên... còn thấp xa so với chi phí thực tế, (địa hình phức tạp, công vận chuyển nguyên, vật liệu cao).
Thứ tư: Các mục tiêu về đào tạo nghề cho người dân, thu hút lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao về phục vụ ở khu vực các huyện nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tốt mục tiêu này, nhà nước cần phải có cơ chế thích hợp.
Thứ năm: Những mục tiêu đề ra trong chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững và chương trình thực hiện Nghị quyết 30a thực hiện đến năm 2015. Vì vậy, phải quan tâm đến tính bền vững của các dự án, tránh tình trạng dân chưa xóa được nghèo mà dự án đã hết hiệu lực.
Thứ sáu: Để chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững đạt hiệu quả cần coi trọng công tác tổ chức tuyên truyền cho nhân dân( đặc biệt là người nghèo) nhận thức được ý nghĩa của các chương trình xóa đói giảm nghèo đó là: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững là các công cụ hỗ trợ người nghèo về vốn, trình độ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng giúp người dân có thể tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, cây, con, giống mới; thay đổi tư duy cách làm ăn từ đó tự mình vươn lên thoát nghèo chứ không phải nhà nước bao cấp cho người dân.
Nghiêm Đẳng