Khai giảng Lớp Đào tạo nghề Chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp và cỏ làm thức ăn chăn nuôi cho trâu bò theo chuỗi 4 nhà tại tỉnh Tuyên Quang
Ngày 06/9, tại trụ sở UBND xã Kim Quan (Yên Sơn, Tuyên Quang), Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc (Học viện Dân tộc) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn đã tổ chức khai giảng 02 lớp Đào tạo nghề Chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp và cỏ làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò cho 75 lao động nông thôn theo chuỗi 4 nhà.
Dự khai giảng có ông Hoàng Văn Hảo, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang; Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vỹ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc và một số nhà khoa học của Học viện Dân tộc, Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc cùng về dự; đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình 135, UBND huyện Yên Sơn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn, UBND xã Kim Quan, doanh nghiệp cùng 75 học viên là lao động của xã Kim Quan.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Văn Hảo đánh giá đây là một trong những chương trình đào tạo phù hợp, thiết thực nhất dành cho người lao động vùng dân tộc và miền núi. Chương trình được tổ chức với thời lượng 18 ngày/lớp, ít lý thuyết, thiên về thực hành (cầm tay chỉ việc), theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng đồng hành theo chuỗi giá trị 4 nhà cùng tham gia. Công tác đào tạo này xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, của địa phương, tận dụng khai thác được lợi thế của địa phương và của mỗi hộ gia đình, tận dụng khai thác tốt và hiệu quả nguồn nguyên liệu và các phế phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, lúa… sau thu hoạch và cỏ ủ thành thức ăn cho trâu, bò. Học viên sau khi đào tạo sẽ có việc làm ngay tại nhà, tại quê hương mình, rất phù hợp. Hiệu quả của lớp học và dự án sẽ làm thay đổi nhận thức của các hộ dân từ chăn nuôi thả rông gia súc sang chăn nuôi theo phương thức nhốt, thâm canh, tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương làm thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện tăng quy mô đầu con, đầu cây, đầu việc làm trong nông hộ, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng trưởng môi trường sinh thái, giải quyết được lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại buổi khai giảng Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vỹ cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Chính phủ giao cho Ủy ban Dân tộc triển khai thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Ủy ban Dân tộc chỉ đạo Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc (thuộc Học viện Dân tộc) phối hợp với các tổ chức khoa học công nghệ, địa phương tổ chức xây dựng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc miền núi tại tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và một số địa phương khác. Lớp đào tạo nghề chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp và cỏ làm thức ăn chăn nuôi cho bò, cho lao động nông thôn theo chuỗi 4 nhà tại xã Kim Quan. Với mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại địa phương, trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế từng vùng, đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, đặc biệt là phế phụ phẩm nông nghiệp, được tận dụng chế biến thành thức ăn chăn nuôi gia súc, hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm tại địa phương, tăng thu nhập cho người lao động bền vững.
Chương trình được đào tạo theo phương pháp khuyến nông (cầm tay chỉ việc, trình diễn tại các hộ), gồm 6 chuyên đề như: Kỹ thuật chăn nuôi một số giống bò lai mới tại Việt Nam; quy trình kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh trên đàn bò; kỹ thuật ủ chế biến cỏ thành thức ăn thô xanh; kỹ thuật ủ, chế biến thân cây ngô thành thức ăn thô xanh; kỹ thuật chế biến rơm thành thức ăn thô xanh; kỹ thuật chế biến củ sắn thành thức ăn thô xanh.