Khánh Hải: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

“Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng qua hơn 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời đã dần thay đổi. Ðây là động lực để Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân Khánh Hải tiếp tục thực hiện các tiêu chí còn lại, sớm đưa xã Khánh Hải về đích trong xây dựng nông thôn mới", Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải Huỳnh Mạnh Chiến cho biết.

Là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, nhưng thời gian qua, Khánh Hải là 1 trong những xã khó khăn của huyện Trần Văn Thời. Do đa số hộ dân sống ở khu vực ven biển là hộ nghèo, không có việc làm ổn định, thu nhập thấp nên cuộc sống còn bấp bênh.

Ông Huỳnh Mạnh Chiến cho biết: "Xác định chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương nên thời gian qua, Khánh Hải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân cùng tham gia thực hiện. Qua đó, mọi người đều ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với việc xây dựng nông thôn mới".

Ðến nay, xã Khánh Hải đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới, gồm: quy hoạch; hình thức sản xuất; hộ nghèo; an ninh trật tự xã hội; giáo dục; y tế; bưu điện; điện; thuỷ lợi; hệ thống chính trị; cơ cấu lao động; thu nhập; nhà ở dân cư.

Ðến nay, 11/11 ấp trong xã đều có lộ bê-tông, với tổng chiều dài 54,1 km. Hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông nội đồng đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho sản xuất của bà con nông dân. Từ năm 2011 đến nay, xã thực hiện 7 công trình nạo vét thuỷ lợi, chiều dài 28 km, tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng. Hiện xã đang tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch xây dựng các cống tiểu vùng phục vụ sản xuất.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở các lớp tập huấn về quy trình và hội thảo chương trình sản xuất lúa 3 giảm, 3 tăng. Bên cạnh là mở rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi như: nuôi heo hướng nạc; nuôi gà chọi lai, nuôi cá sặt rằn, nuôi lươn không bùn, thực hiện các mô hình cải tạo vườn tạp trồng dừa xiêm lùn, trồng lúa trên đất phèn và cánh đồng mẫu lớn… Nhìn chung, các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bộ mặt nông thôn ngày càng thêm khởi sắc, an sinh xã hội từng bước được ổn định.

Hệ thống lưới điện ngày càng được đầu tư mở rộng; có 3.174/3.232 hộ dân được lắp đặt điện kế, đạt 98,2%; tỷ lệ hộ sử dụng điện chia hơi không an toàn, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật ngày càng giảm.

Về phát triển giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường đã có nhiều thay đổi, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo.

Qua hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động được hơn 92,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước 37,2 tỷ đồng, vốn Nhân dân đóng góp 8,4 tỷ đồng, còn lại do các nhà hảo tâm hỗ trợ, vốn ngân hàng chính sách, tín dụng…

Tuy bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng theo ông Huỳnh Mạnh Chiến, thời gian tới, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã sẽ gặp khó khăn hơn. Do cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở quy mô nhỏ, tự phát, chưa quy hoạch phát triển bền vững. Công tác quy hoạch phát triển mô hình nông thôn mới còn chậm, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa được đầu tư xây dựng. Ðời sống của người dân tuy có cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp, tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra.

Theo kế hoạch, thời gian tới, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã tổ chức kiểm tra các ấp trong việc đăng ký thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nhằm đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện, từ đó có biện pháp chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội như: hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, hộ gia đình chính sách, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà Ðại đoàn kết, nhà cho người nghèo...

Tranh thủ với cấp trên đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới lộ giao thông nông thôn đạt chuẩn theo quy định và sớm đầu tư xây dựng hoàn thành trung tâm văn hoá xã, hỗ trợ xây dựng các trụ sở văn hoá ấp; kiểm tra đánh giá các mô hình như: cánh đồng mẫu lớn, trồng màu, trồng cây ăn trái, nuôi cá bổi thương phẩm để nhân rộng trong Nhân dân./.

 In bài viết
Văn bản điều hành