Khởi sắc Chương trình 135 ở Sơn La

Năm 2008, kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La tiếp tục có bước tăng trưởng khá(13,2%), đặc biệt, cùng với nhiều cơ chế chính sách của tỉnh và việc thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước dành cho vùng cao, biên giới nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã làm cho bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc đi lên. Các chương trình 135, 134, chính sách trợ giá trợ cước, chính sách hỗ trợ di dân định canh định cư, di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La... đã góp phần ổn định kinh tế đời sống, an ninh chính trị, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, năm 2008, Ban Dân tộc tỉnh với chức năng là cơ quan thường trực đã phối hợp với các ngành liên quan và các huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình 135 nhằm giảm bớt khó khăn, giúp đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Tày.... từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Trong năm với tổng vốn được giao là 192,236 tỷ đồng, Ban đã trình duyệt Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định phân bổ nguồn vốn thực hiện các mục tiêu của chương trình và phân khai nguồn vốn về các huyện để thực hiện. trong đó, Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, kế hoạch giao 20,32 tỷ đồng, đã triển khai thực hiện được 14,2 tỷ đồng, đã triển khai xây dựng và thực hiện được 201 mô hình với số hộ được thụ hưởng là 8.000 hộ, với các mô hình như trồng giống lúa lai mới, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâm nghiệp và mô hình nuôi cá. Ngoài ra còn hỗ trợ giống, vật tư, máy móc, công cụ để phục vụ phát triển sản xuất với 4.300 hộ được thụ hưởng. Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, kế hoạch giao là 95,8 tỷ đồng. Nguồn vốn trên được các huyện thanh quyết toán cho 69 công trình chuyển tiếp của năm 2007 là 15,768 tỷ đồng. Đầu tư xây mới 96 công trình gồm: Giao thông: 32 công trình; Lớp học: 8 công trình; Công trình phụ trợ trường học: 1 công trình; Nhà văn hoá: 12 công trình; Trạm y tế: 3 công trình; Nước sinh hoạt tập trung: 15 công trình; Nhà ở công vụ cho giáo viên: 01 công trình; Thuỷ lợi: 7 công trình; Điện hạ thế: 17 công trình. Tuy niên, đối với các bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II được giao nguồn vốn 30,6 tỷ đồng nhưng đến đầu tháng 12/2008 vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp cùng các ngành các địa phương rà soát, lập quy hoạch các dự án cho các địa phương thụ hưởng chương trình. Dự án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, bản và cộng đồng kế hoạch giao là 4,26 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2008, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành, các huyện có liên quan mở được 95 lớp tập huấn, đào tạo với 3.990 lượt cán bộ xã và cộng đồng. Nội dung đào tạo tập huấn chủ yếu là các kiến thức cơ bản về nông- lâm nghiệp tổng hợp, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc miền núi, kiến thức về quản lý, giám sát Chương trình 135. Hình thức đào tạo là tập trung ngắn hạn tại trung tâm huyện và xã. Đối với Chính sách Hỗ trợ các dịch vụ và cải thiện nâng cao đời sống nhân dân, kế hoạch giao là 71,856 tỷ đồng; trong đó đã dành trên 45,61 tỷ đồng hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo theo Quyết định 122/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra đã thực hiện hỗ trợ hoạt động văn hoá và trợ giúp pháp lý 284 triệu đồng. Nguồn kinh phí trên được giao cho Uỷ ban nhân dân các huyện, xã triển khai thực hiện. Số vốn kết dư trên 22 tỷ đồng được chuyển qua năm 2009 thực hiện tiếp.

Cùng với việc triển khai thực hiện các dự án, Ban Dân tộc tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào để tham mưu, giải quyết kịp thời các vấn đề còn bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời tổ chức thanh tra kiểm tra việc thực hiện chương trình chính sách dân tộc tại các huyện Sông Mã, Phù Yên, Sốp Cộp qua kiểm tra đã phát hiện một số sai phạm về thực hiện chương trình 134, 135, trong đó sai phạm về việc thực hiện chương trình 135 là trên 350,9 triệu đồng, đối tượng, cơ sở sai phạm đã chấp hành xử lý theo đúng qui định.

Bước sang năm 2009, nguồn vốn chuyển tiếp của năm trước trên 73,39 tỷ đồng đã được các huyện tập trung chỉ đạo giải ngân và thanh quyết toán các công trình hoàn thành, số vốn tồn dư trên 49,93 tỷ đồng được chuyển tiếp vào kế hoạch ngân sách năm 2009. Như vậy, tổng vốn theo kế hoạch giao là 166, 437 tỷ đồng, cộng với nguồn vốn kết dư chuyển sang của năm 2008, Ban Dân tộc tỉnh đã trình cấp có thẩm quyền phân khai nguồn vốn cho các huyện, hiện các huyện đang tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết phân bổvốn cho các xã, đồng thời chỉ đạo các xã khẩn trương tiến hành khảo sát thiết kế, hoàn chỉnh hồ sơ dự án để phê duyệt triển khai thực hiện. Qua triển khai thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn Sơn La cho thấy công tác chỉ đạo điều hành của một số huyện, thị xã còn chưa quyết liệt, thiếu sâu sát cơ sở nên chưa kịp thời tháo gỡ được các khó khăn nảy sinh ở cơ sở dẫn đến tiến độ triển khai chậm. Mặt khác nhiều xã năng lực cán bộ còn yếu dẫn đến thiếu chủ động và không đủ khả năng điều hành hoặc làm chủ đầu tư các dự án của chương trình.

Để kịp thời khắc phục hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chương trình 135, Ban Dân tộc tỉnh và các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Sơn La mong rằng Uỷ ban Dân tộc quan tâm giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc góp phần vào sự phát triển bền vững ở vùng dân tộc miền núi.

Quỳnh Anh
(Nguồn: Bản tin CT 135 số 4/2009)

[TT: N.T.V]

 In bài viết
Văn bản điều hành