Kiên Giang: Khi chính sách về với đồng bào

Đưa tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Lý Rôl-cán bộ phụ trách công tác dân tộc huyện Châu Thành (Kiên Giang) vừa bước phăm phăm, vừa bảo: Làm công tác dân tộc hả? Cực lắm. Tui gắn bó với nghề đã hơn chục năm, vui buồn, riết rồi quen, không làm thì nhớ…. Cuộc sống của người Khmer, người Hoa… đổi thay là nhờ chính sách dân tộc cả đấy. Cái nhà của vợ chồng Danh Bảnh trước mặt kia kìa, không có vốn của Chương trình 134 của Chính phủ thì cũng không cất được nhà như thế đâu…”.

Băng qua lối mòn ven con kênh nhỏ dày đặc lục bình, chúng tôi theo chân Lý Rôl tới thăm nhà anh Danh Bảnh và chị Thui người Khmer sống ở ấp Bình Hòa, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành. Giữa trưa, Danh Bảnh bận đi làm chưa về, chỉ có chị Thui đang cặm cụi quét dọn trước sân. Bên ngôi nhà lợp mái tôn chắc chắn, chị Thui tươi cười bảo: “Trước kia làm bao nhiêu cũng chỉ đủ ăn thôi, muốn cất ngôi nhà cho tử tế nhưng ngặt vì không có tiền. Nay có nhà 134 thì yên tâm rồi, mưa gió không bị dột, cũng không lo sập khi trời có mưa bão nữa…”.

Không chỉ được cất nhà 134, gia đình chị còn được hỗ trợ một con bò từ Chương trình 135 để phát triển kinh tế. Dẫn chúng tôi ra sau nhà thăm chú bò béo tròn, chị Thui khoe: “Tài sản lớn của gia đình đấy, giống bò này tốt lắm, lớn nhanh mà không bệnh tật gì. Mà không chỉ có nhà mình đâu, trong xã còn có 35 hộ được hỗ trợ bò sinh sản. Đấy, nhà Danh Đôi ngay cạnh cũng có con bò như của nhà mình. Sắp tới mình cũng định vay vốn từ Ngân hàng Chính sách huyện để chăn nuôi thêm, nghe cán bộ Lý Rôl nói được vay không tính lãi nên mừng lắm!…

Những năm qua, Châu Thành đã được Đảng và Nhà nước quan tâm dành rất nhiều chính sách nhằm xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, trong đó có CT 134, CT 135, Quyết định 74/CP về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; Quyết định 32/CP cho hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách không tính lãi để phát triển sản xuất… tạo tâm lý mừng vui, phấn khởi trong đồng bào các dân tộc. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay giảm chỉ còn chưa tới 6%. Đồng thời, huyện còn chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ, phối hợp với các tổ chức mở các lớp dạy nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động…

Đưa chúng tôi đi thăm ngôi trường dạy song ngữ Việt-Khmer vừa mới được hoàn thành từ sự vận động đóng góp của các vị sư sãi, đồng bào, anh Lý Rôl tâm sự: Đối với đồng bào Khmer, làm công tác dân tộc còn phải hiểu tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào. Điều quan trọng là mình phải tranh thủ được các vị hòa thượng, sư sãi những người có chức sắc, uy tín để vận động đồng bào tin và theo Đảng.

Khi hiểu được tâm tư nguyện vọng, phong tục tập quán của đồng bào thì mới vận động được bà con thay đổi tư duy cách làm… Điều làm bà con mình nghèo mãi chính là tâm lý ỷ lại, thiếu kiến thức phát triển kinh tế dẫn tới hỗ trợ bao nhiêu hết bấy nhiêu mà nghèo vẫn hoàn nghèo. “Bây giờ thì bà con ai cũng chí thú làm ăn, không ỷ lại, cuộc sống, vì thế khá hơn trước rất nhiều”-Lý Rôl vui vẻ cho biết.

Có thể nói, bằng những cố gắng, nỗ lực lớn, huyện Châu Thành đã có những bước tiến quan trọng về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tính từ năm 2006 đến 2008, Chương trình 135 giai đoạn II với nguồn vốn 2,4 tỷ đồng đã giải quyết cơ bản nhu cầu bức thiết của người dân ở các xã đặc biệt khó khăn như xã Minh Hòa, xã Giục Tượng, ấp Xà Xiêm (xã Bình An)... Nhiều ước mơ từ bao đời của đồng bào đã thành hiện thực. Đường giao thông đến xóm ấp; xã có trường học, có trạm y tế, có điện sinh hoạt, có nước sạch.... Đồng thời, từ nguồn vốn 134, hơn 1700 căn nhà được xây dựng góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở của đồng bào… sự thay đổi lớn đó đã củng cố niềm tin, tình cảm, lòng biết ơn của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước. Niềm tin đó đã tạo ra những hành động cụ thể: từng bản làng, thôn ấp đồng bào đã luôn đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lợi giúp nhau xoá đói giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn xã hội; chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự …

Qua những chuyến công tác về với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi có chung một cảm nhận, để có được những kết quả trên, những cán bộ làm công tác dân tộc nơi đây đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Bởi, phần lớn bà con dân tộc ở khu vực đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, nhận thức không đồng đều, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Để bà con nghe, hiểu, thông suốt được chủ trương, chính sách và làm theo đòi hỏi những người làm công tác dân tộc phải thực sự tâm huyết, nhiệt tình, biết lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Nếu không sẽ không thể gắn bó lâu dài với công việc. Ở Châu Thành, chúng tôi đã nhìn thấy sự tâm huyết ấy trong ánh mắt, nét mặt của người cán bộ chuyên trách Lý Rôl trong những chuyến đi cùng anh. Và trong cả những khuôn mặt nụ cười rạng rỡ của những hộ đồng bào dân tộc mà chúng tôi đã từng đến thăm…

Mạnh Hà
(Nguồn: Báo DT&PT)

[TT: N.T.V]

 In bài viết
Văn bản điều hành