Kinh nghiệm xóa nghèo của phụ nữ vùng cao Bản Lầu
Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, Hội Phụ nữ xã vùng cao biên giới Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai) đã xóa hoàn toàn hộ đói, giảm nhanh hộ nghèo, chấm dứt di canh di cư cho hàng trăm chị em phụ nữ người dân tộc Mông, Dao, Giáy... Cuộc sống của phụ nữ dân tộc vùng cao nơi đây đang khởi sắc từng ngày.
Chúng tôi đến thôn biên giới Cốc Phương, nằm cách xa trung tâm xã Bản Lầu gần 20 cây số (là thôn xa trung tâm xã nhất) khi chị em phụ nữ dân tộc Mông đang lên nương tất bật trồng dứa và thu hoạch chuối xanh xuất khẩu sang Trung Quốc. Chị Sùng Thị Chu, Chi hội trưởng phụ nữ Cốc Phương cho biết, chi hội có 24 hội viên, 100% là người Mông. Trước đây, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn do chỉ biết phát rừng làm nương, thuần canh lúa nương và ngô, chăn nuôi gia súc theo kiểu thả rông nên năng suất thấp; cuộc sống bấp bênh, nghèo đói. Chị em người Mông phải làm việc quần quật, mà không thoát khỏi cảnh nghèo đói, thất học và nhiều tập tục lạc hậu trói buộc.
Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, Chi Hội phụ nữ thôn Cốc Phương giúp nhau thay đổi tập quán sản xuất, cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Các chị Thào Mẩy, Ma Doa mạnh dạn đi học kỹ thuật trồng dứa, chuối mô trên núi cao đem về Cốc Phương làm thử, sau đó vận động phụ nữ trong thôn làm theo. Ðể mọi hội viên có thể tham gia chuyển dịch cây trồng vật nuôi, chi hội phân công hai đến ba hội viên khá giúp đỡ một hội viên nghèo. Nhờ cách làm này, tất cả số hội viên nghèo trong thôn đều được hỗ trợ giống, vốn, sức kéo, công lao động... để chuyển từ trồng ngô, lúa nương sang trồng dứa và chuối cao sản xuất khẩu. Ðiển hình như các chị Thào Thị Mỷ, Lý Thị Mẩy đã giúp hơn hai mươi nghìn gốc dứa giống cho chị Mai, chị Chinh; chị Thào Ma Doa cho năm hội viên nghèo vay hơn 20 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Chị Thào Sủ, giúp sức kéo và công lao động cho hai hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở trong thôn phát triển kinh tế gia đình.
Hội Phụ nữ xã Bản Lầu phối hợp với cơ quan khuyến nông huyện, tỉnh xuống tận thôn, bản mở lớp tập huấn hướng dẫn cho phụ nữ dân tộc thiểu số cách trồng dứa theo hàng dọc, kỹ thuật phun thuốc cho dứa đậu quả; kỹ thuật bao túi ni-lông chống cháy rám và sương muối, bảo đảm chất lượng chuối xuất khẩu. Từ mô hình Cốc Phương, Hội Phụ nữ Bản Lầu vận động hội viên ở năm thôn giáp biên, nằm liền kề là Na Lốc 1, 2, 3, 4 và Pạc Bo phát triển trồng dứa và chuối xuất khẩu. Ðến nay, ở sáu thôn này đã hình thành vùng sản xuất dứa và chuối hàng hóa khoảng gần 700 ha, bán cho các nhà máy đóng hộp hơn 15 nghìn tấn dứa và hàng trăm tấn chuối xuất khẩu, thu về khoảng 13 tỷ đồng/năm. Sáu thôn giáp biên không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, riêng Chi Hội phụ nữ Cốc Phương không còn hộ nghèo. Ðến các thôn Cốc Phương, Na Lốc 2, 4 hôm nay, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống mới đang hiện rõ ở từng gia đình chị em phụ nữ dân tộc nơi đây, nhà ở khang trang, có ti-vi, xe máy. Nhà nước đầu tư mở con đường lớn trải đá cấp phối, kéo điện lưới quốc gia theo Chương trình 135 cho sáu thôn biên giới, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa để vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều hội viên phụ nữ ở đây được tôn vinh là những hộ sản xuất giỏi, gia đình văn hóa của huyện, tỉnh như chị Mỷ, chị Doa, chị Sùng..., có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm nhờ trồng dứa và chuối xuất khẩu, có chị đã mua được ô-tô du lịch, sắm máy vi tính cho con cái học tập tốt hơn.
Rời Cốc Phương, chúng tôi đến Chi Hội phụ nữ Làng Ha tìm hiểu kinh nghiệm xóa nghèo bền vững cho chị em có hoàn cảnh khó khăn ở đây. Chi hội trưởng Lý Thị Nẻn, dân tộc Dao, cho biết: Chi hội Làng Ha có 46 hội viên, chủ yếu là người dân tộc Dao, sinh sống bằng làm ruộng, chăn nuôi và trồng rừng. Trong thôn có chín gia đình hội viên phụ nữ nghèo do hoàn cảnh đau yếu, đông con, nuôi bố mẹ già, có người bị tật bẩm sinh... Ðể giúp số chị em này thoát nghèo, chi hội phụ nữ thôn đã tập trung hỗ trợ dứt điểm từng chị em theo phương châm "nhiều người giúp một người" cho vay tiền không tính lãi, giúp lợn giống, giúp công lao động... Chẳng hạn, nhóm các chị Lý Thị Mai, Hoàng Thị Nga và Phàn Thị Thành tập trung giúp chị Lý Thị Bình (chồng bị bệnh hen mãn tính nên đau yếu, hai con còn nhỏ) bốn con lợn giống và cho vay 12 triệu đồng không lãi để phát triển kinh tế gia đình. Có vốn, chị Bình đã mua được trâu làm sức kéo, mua phân bón thâm canh lúa, ngô đạt năng suất cao; sau hai năm đã thoát nghèo. Hay như chị Nguyễn Thị Ðế, bằng cách giúp chị Hoàng Thị Hồng (thường xuyên đau yếu, nuôi mẹ già bị câm) nuôi trâu rẽ, sau ba năm đã giúp chị Hồng thoát khỏi cảnh nghèo, hiện đã làm được nhà mới, có một con trâu làm sức kéo để sản xuất, đời sống ổn định. Chị hội trưởng Lý Thị Nẻn giúp hội viên Trần Thị Xuân ba tạ thóc và hai triệu đồng để làm vốn, đồng thời hướng dẫn cách thâm canh lúa và chăn nuôi lợn nạc, giúp chị Xuân thoát nghèo. Chi Hội phụ nữ thôn Làng Ha còn tín chấp vay 356 triệu đồng vốn ưu đãi của ngân hàng để giúp chị em hội viên nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phấn đấu trong hai đến ba năm nữa không còn hội viên nghèo.
Trao đổi ý kiến về kinh nghiệm xóa nghèo, chị Vương Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bản Lầu cho biết: Hội đã tín chấp vay hơn sáu tỷ đồng của ngân hàng cho 448 hộ phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình; lập 12 tổ tín dụng tiết kiệm, một câu lạc bộ khuyến nông và năm mô hình "hai phụ nữ khá giúp một phụ nữ nghèo thoát nghèo", xây dựng tám tổ phụ nữ "tương trợ tình nghĩa" giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Thông qua hoạt động đó, trong năm 2008 đã có 39 hội viên thoát nghèo, 692/821 gia đình hội viên đạt bốn chuẩn mực "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" do Trung ương Hội đề ra. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã Bản Lầu tiếp tục phát huy vai trò định hướng và cầu nối hỗ trợ hiệu quả để giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, xóa nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo Quốc Hồng
(Báo Nhân dân điện tử)
[TT: N.T.V]