Kon Tum: Ban hành định mức hỗ trợ PTSX Chương trình 135 theo Quyết định 551/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 27 tháng 4 năm 2015, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND về định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và danh mục hỗ trợ một số loại cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch của Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 theo Quyết định 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định hiện hành, hiện đang sinh sống tại 56 xã và 65 thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu được quy định tại Quyết định 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 582/QĐ-UBDT ngày 18/12/2013 của Ủy ban Dân tộc và các nhóm hộ theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 4 của Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD của Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng.

Về nội dung hỗ trợ của chính sách gồm 6 nội dung, cụ thể (i) Các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công giúp người dân nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng đất đai có hiệu quả. (ii) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, có giá trị cao trên thị trường theo nguyện vọng của người dân và phù hợp với điều kiện của địa phương; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ vật tư phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ tối đa 100% giống, vật tư (Mục này chỉ áp dụng cho hộ nghèo, cận nghèo). (iii) Hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất; hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân tham quan, học tập nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả. (iiii) Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. (iiiii) Mỗi hộ được hỗ trợ một hoặc nhiều nội dung trong 01 năm (Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất; hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, tiên tiến; trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch), nhưng mức hỗ trợ tối đa các nội dung cộng lại cho 01 hộ/ giai đoạn dự án không quá 20 triệu đồng. (iiiiii) Các nội dung không quy định tại Quyết định này, thực hiện theo Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD của Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Thông tư só 46/2014/TT-BNNPTNT, ngày 05/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản khác có liên quan.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm… trong hộ gia đình là rất lớn. Nên việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND là rất cần thiết, phù hợp để kịp thời triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đến đối tượng thụ hưởng trong thời gian đến, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 In bài viết
Văn bản điều hành