Kon Tum phấn đấu trở thành điểm sáng ở Tây Nguyên
Trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tưng bừng đón chào Xuân mới Quý Tỵ 2013 và kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2013) thì tại Kon Tum, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng đang nô nức chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh.
Nhân dịp này, đồng chí Hà Ban, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã có bài viết “Đảng bộ Tỉnh Kon Tum lãnh đạo chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu đưa Kon Tum trở thành điểm sáng ở Tây Nguyên”.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.
Đầu tư mạnh cho vùng khó khăn
Hơn 20 năm qua, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã tập trung lãnh đạo chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, đối với công cuộc đổi mới của đất nước.
Ngay từ khi được tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã có những chỉ thị, nghị quyết tập trung xây dựng xây dựng các thôn, làng của các xã đặc biệt khó khăn thành cộng đồng phát triển kinh tế bền vững, đoàn kết, có cuộc sống no đủ, vững mạnh, an toàn nhằm thu hẹp dần sự chênh lệch trên tất cả các mặt giữa vùng sâu, vùng xa với thị trấn, thị tứ.
Theo đó cấp tỉnh tập trung đầu tư đối với các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn; cấp huyện tập trung đầu tư đối với các thôn (làng) có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên; đồng thời phát huy hơn nữa sức mạnh của các cơ quan nhận kết nghĩa xây dựng xã, tập trung mọi nỗ lực của các cấp, các ngành hướng về cơ sở nhằm tạo được sự chuyển biến toàn diện các mặt ở cơ sở.
Quá trình triển khai thực hiện đã khẳng định các chủ trương trên của Tỉnh ủy Kon Tum là đúng đắn, sáng tạo và kịp thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả; qua đó mối quan hệ máu thịt giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân ngày càng chặt chẽ; khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được củng cố, tăng cường; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được truyền tải kịp thời xuống cơ sở và triển khai thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, thẳng thắn nhìn nhận thì Kon Tum vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; quy mô của nền kinh tế còn nhỏ bé, phát triển còn theo chiều rộng; tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận không nhỏ nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; văn hóa - xã hội còn có mặt hạn chế, chưa thật sự là động lực của phát triển kinh tế - xã hội; an ninh chính trị còn tiềm ẩn một số nhân tố gây mất ổn định; chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sát dân, sát việc
Năm 2012, năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV, trong điều kiện tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy Kon Tum đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy thấp hơn năm 2011 và không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn duy trì ở mức khá (13,77%) so với cả nước; trong đó: ngành nông-lâm-thủy sản tăng 7,3%, ngành công nghiệp-xây dựng tăng 17,49%, ngành dịch vụ tăng 18,34%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,88% (thấp hơn năm 2011: 17,85%). Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.632,2 tỷ đồng (vượt 0,5% so với kế hoạch). Các chương trình mục tiêu quốc gia được chỉ đạo triển khai tích cực; xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) được công nhận đạt xã nông thôn mới.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, tỷ lệ tốt nghiệp PTTH đạt 98,97% (tăng 1,62% so với năm học trước); tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học đứng thứ 19/63 và đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 38,2%; giải quyết việc làm cho khoảng 6.200 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5%.
Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm; 100% thôn, làng có cán bộ y tế, 89,7% số xã có bác sĩ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người đạt 22,12 triệu đồng (tăng 18,9%); tỷ lệ hộ nghèo còn 22,77% (giảm 5,14% so với năm 2011); bản sắc văn hoá các dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy.
An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động và duy trì tốt. Công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm được tăng cường. Đã triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn và đạt được kết quả quan trọng. Công tác bám nắm địa bàn, cơ sở được tăng cường; không để xảy ra tình trạng tập trung khiếu kiện đông người, bạo loạn, vượt biên và các tình huống bị động bất ngờ. Hoạt động đối ngoại, phân giới cắm mốc và tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới đạt kết quả quan trọng.
Hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở tiếp tục được củng cố, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sát dân, sát việc.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; việc phát triển đảng viên mới đạt khá cả về số lượng và chất lượng; số thôn, làng chưa có đảng viên giảm còn 3/847 (0,35%) và chưa có tổ chức đảng giảm còn 50/847 (5,9%).
Việc quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả quan trọng bước đầu, nhất là trong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Đặc biệt, các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum được tổ chức triển khai đồng bộ, tạo thành chuỗi các hoạt động phong phú thiết thực. 7/8 công trình trọng điểm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum đã hoàn thành; cuộc thi tìm hiểu Kon Tum-100 năm lịch sử hình thành và phát triển; cuộc thi sáng tác các ca khúc về Kon Tum; cuộc thi Người đẹp Kon Tum - Bắc Tây Nguyên; giải bóng đá thiếu niên các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Attapư (Lào), Rattanakiri (Campuchia) và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi các gia đình chính sách, hỗ trợ các gia đình khó khăn... được tổ chức tích cực, đạt nhiều kết quả và tạo ấn tượng sâu đậm.
Phát huy thế và lực mới
Với tinh thần kế thừa và phát huy thành quả của 100 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ Tỉnh Kon Tum ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2010-2015 với mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng tỉnh Kon Tum cơ bản thoát nghèo vào năm 2015”.
Trước mắt, tập trung, dồn sức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2013- “năm bản lề” của nhiệm kỳ, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.
Cụ thể, triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để các giải pháp và chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững (trên 14%) với cơ cấu hợp lý.
Đẩy mạnh phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh như Sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh, nuôi cá tầm, cá hồi... gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Phấn đấu trong năm 2013, thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đạt trên 1.830 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD.
Tập trung đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đi đôi với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn (đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 40%), giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp phục vụ chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; quan tâm đầu tư kiên cố hóa phòng học và nhà ở công vụ cho giáo viên trên địa bàn.
Tiếp tục củng cố mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần trách nhiệm, y đức của đội ngũ y bác sỹ; kịp thời phát hiện và dập tắt các loại dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.
Đầu tư xây dựng các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 30a của Chính phủ và Chương trình 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc tập trung xây dựng các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn”. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách với người có công; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên 26 triệu đồng; giảm 4-5% hộ nghèo so với cuối năm 2012.
Chủ động nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, bạo loạn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tốt các vấn đề an ninh chính trị, trật tự xã hội phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở. Đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, khoáng sản trái phép. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, lãnh thổ. Thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động của tôn giáo; kiên quyết đấu tranh xoá bỏ tà đạo Hà Mòn. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác đối ngoại, duy trì và đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với chính quyền và lực lượng vũ trang các tỉnh của Lào và Campuchia trên các mặt công tác.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với kịp thời biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả NQTW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó tập trung khắc phục có hiệu quả các yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra qua các đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Tiến hành sắp xếp lại mô hình tổ chức ở một số loại hình tổ chức cơ sở Đảng đồng bộ, thống nhất, đảm bảo hoạt động có hiệu quả, phấn đấu trên 96% thôn, làng có tổ chức đảng.
Với sự khó khăn chung của nền kinh tế, để đạt được những kết quả trên là một thách thức không ít. Tuy nhiên, với sự kiên cường vượt qua những khó khăn suốt 100 năm qua bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc sẽ là nhân tố mạnh mẽ giúp Kon Tum phát huy nội lực, vượt qua khó khăn để phát triển vì sự no ấm, bình yên của nhân dân. Và chắc chắn, với thế mới, lực mới, Kon Tum sẽ bước vào một giai đoạn phát triển vượt bậc mới, phấn đấu trở thành điểm sáng trong các tỉnh Tây Nguyên.
( Theo baodientu.chinhphu.vn)
[TT: LPM]