Lai Châu thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc
Là tỉnh miền núi, biên giới khó khăn, với 20 dân tộc cùng sinh sống, những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn xác định thực hiện tốt các chính sách dân tộc, để giúp đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Ngôi nhà sàn kiên cố
của gia đình chị Phê Thị Dơ, dân tộc Mông, ở bản Lùng Thàng, xã Nậm Loỏng,
thành phố Lai Châu, nổi bật giữa núi rừng. Ít ai biết rằng, những năm trước
đây, cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, thường bị thiếu đói
giáp hạt. Từ năm 2013 đến nay, được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cho đồng
bào dân tộc thiểu số, gia đình chị Dơ đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa các
giống mới năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Đến nay, gia đình chị Dơ đã
có cuộc sống ổn định, thoát khỏi diện đói nghèo, đã mua sắm nhiều đồ dùng cần
thiết trong nhà, có điều kiện cho con đến trường.
Điều đáng nói, gia
đình chị Dơ chỉ là một trong nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác ở Lai Châu
có được cuộc sống ổn định nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
Thời gian qua, các
chương trình hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn, như chương trình 135, 167, 102,
32 của Chính phủ, đã được triển khai hiệu quả ở Lai Châu. Các cấp, các ngành
trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo thực hiện một cách công
khai, minh bạch, dân chủ, nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Chuyển
đổi giống cây trồng đã cho năng suất, chất lượng cao hơn
Theo Ban Dân tộc
tỉnh Lai Châu, năm 2014, đã có trên 3.250 hộ được vay vốn, với gần 18,4 tỷ đồng
theo Quyết định 32. Tỉnh cũng đã hỗ trợ cho 100% người dân thuộc đối tượng thụ
hưởng trực tiếp theo Quyết định 102, với tổng kinh phí trên 10,5 tỷ đồng. Các
cấp, các ngành của tỉnh có trách nhiệm cao trong việc thực hiện các chương
trình, chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Lò Thị Vương, Phó
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho rằng, để thực hiện nhanh chóng việc phát
triển sản xuất, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số thì một chính
sách sẽ không thể đủ nguồn lực. Do đó, tỉnh Lai Châu đã lồng ghép các chương
trình, chính sách để thực hiện. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào thiểu số nghèo
đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5% - 7%/năm.
Năm 2015, vùng đồng
bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Lai Châu tiếp tục được thụ hưởng các chính sách
hỗ trợ. Ban Dân tộc tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, đảm bảo các chính
sách được triển khai đồng bộ, đúng quy định, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường
công tác tuyên truyền vận động công chức trong các cơ quan và nhân dân các dân
tộc nhận thức sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước về các chương trình, chính sách dân tộc.
Theo bà Lò Thị
Vương, đối với các chính sách đang được triển khai ở Lai Châu, tỉnh mong muốn
Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn của các chương trình, chính sách, để tỉnh tiếp
tục triển khai thực hiện; cũng như sớm ban hành hướng dẫn thực hiện vốn sự
nghiệp đối với các chương trình 135, đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân
tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao...