Lạng Sơn tập trung giảm hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi
Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm hộ nghèo của tỉnh Lạng Sơn mấy năm qua cơ bản đạt được, bình quân mỗi năm giảm 5% số hộ nghèo. Tuy nhiên, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hơn 50 nghìn hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 50%.
Từ TP Lạng Sơn, chúng tôi đi hơn 80 km lên huyện biên giới Tràng Ðịnh, huyện có diện tích trồng cây thạch đen lớn nhất tỉnh. Già làng Lương Xuân Thành, thôn Ðâu Linh, xã Chi Lăng cho biết: "Gia đình già năm nay trồng cây thạch đen nhiều hơn năm trước khoảng hơn một sào, thu hoạch khoảng 1,5 tấn. Với giá cả bây giờ từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg thì thu nhập của gia đình già khoảng 50 triệu đồng/năm. So với cây lúa, cây ngô thì cây thạch đen hiệu quả kinh tế gấp hai, ba lần, kể cả chăn nuôi cũng không bằng". Bà con ở đây hy vọng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đầu ra để người dân yên tâm phát triển cây thạch đen. Vụ đông xuân năm 2013 - 2014, theo kế hoạch huyện Tràng Ðịnh trồng từ 1.500 đến 2.000 ha cây thạch đen. Với năng suất bình quân 5,8 tạ/ha và sản lượng bình quân 7.150 tấn/năm, cây thạch đen đem lại nguồn thu nhập từ 150 tỷ đến 290 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch UBND huyện Tràng Ðịnh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Thị trường tiêu thụ thạch đen năm nay khá ổn định, giá thu mua cao, nên nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Một số hộ đã trở nên giàu có với mức thu nhập mỗi năm từ 200 triệu đồng trở lên. Người dân Tràng Ðịnh xây nhiều nhà hai, ba tầng, mua sắm tiện nghi sinh hoạt gia đình và nhiều hộ mua ô-tô tải để vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, cây thạch đen đã thật sự trở thành cây mũi nhọn về xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho bà con vùng biên Tràng Ðịnh.
Từ lợi ích kinh tế của cây thạch đen, cây na, cây quế và cây hồi... đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, có thể thấy hiệu quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vấn đề mà cấp ủy Ðảng, chính quyền và các ngành trong tỉnh đang rất băn khoăn và trăn trở, đó là giá nông sản sau thu hoạch gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, nên rủi ro của người trồng cũng không ít. Ðã có những vụ trồng năm trước năng suất và giá thu mua cao, năm sau bà con mở rộng diện tích trồng thì cuối vụ lại phải chịu cảnh "được mùa, mất giá". Do đó, địa phương rất cần có sự quan tâm từ các cấp, các ngành trung ương và địa phương trong liên kết với các cơ sở kinh doanh, chế biến để bảo đảm nguồn nông sản của bà con làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định. Qua đó, phát triển cây thạch đen, cây na, cây hồi... tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, để bà con nông dân yên tâm phát triển trong những năm tới.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn Vi Hữu Bình cho rằng: "Nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc, tỉnh Lạng Sơn tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất và đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS như vay vốn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, học nghề để nâng cao hiệu quả kinh tế hộ". Theo kế hoạch hằng năm, tỉnh giải quyết cho khoảng hơn 7.000 hộ nghèo vay vốn. Ðến năm 2020, tất cả các hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện được hỗ trợ vay vốn để sản xuất, đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh...
Từ đầu năm 2014 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho hơn 4.960 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay với tổng số tiền hơn 62 tỷ đồng. Nhờ đó mà nhiều hộ gia đình đặc biệt khó khăn, nhất là đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội thụ hưởng nguồn vốn chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định. Tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; có nhiều xã nằm giáp ranh biên giới, đi lại và giao thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của một bộ phận bà con thấp, tập quán canh tác lạc hậu; tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không có ý chí vươn lên thoát nghèo. Một nguyên nhân dẫn đến đói nghèo cao nữa là một số nơi công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giảm nghèo của cấp ủy Ðảng, chính quyền chưa sâu sát, năng lực của một số cán bộ từ huyện đến thôn, bản còn hạn chế, thiếu kiến thức quản lý và chưa chủ động sáng tạo.
Ngược lên huyện biên giới Lộc Bình, chúng tôi đến xã Như Khuê giáp biên, Chủ tịch UBND xã Nông Văn Hồng bộc bạch, bà con các dân tộc trong xã còn khó khăn lắm. Vùng biên rất cần những chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS nghèo như: hỗ trợ về y tế, cấp thẻ bảo hiểm y tế và được khám, chữa bệnh miễn phí ở các cơ sở y tế theo đúng quy định. Bà con cũng mong tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng giúp bà con phát triển kinh tế như giao thông, trường học, trạm y tế..., nhất là tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương để chuyển đổi lúa một vụ thành hai vụ/năm...
Mặc dù Nhà nước quan tâm, ưu tiên cho các huyện nghèo; các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Tô Hùng Khoa, các chương trình, chính sách còn trùng lặp về đối tượng thụ hưởng, chồng chéo trong quản lý; mức đầu tư, hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu thực tế. Ðến nay, phần lớn người dân ở các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là tỉnh miền núi Lạng Sơn đều thiếu vốn đầu tư, thiếu khoa học, kỹ thuật để phát triển sản xuất. Thị trường tiêu thụ nông, lâm sản và cây ăn quả không ổn định vẫn đang là căn bệnh "trầm kha" ở các vùng dân tộc và miền núi. Hơn ai hết, bà con nơi đây mong muốn những chính sách, chương trình hỗ trợ thiết thực, bảo đảm hiệu quả chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại vườn - đồi - rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.