Mậu Lâm – Tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện Chương trình 135

Mậu Lâm là xã khu vực III thuộc huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá với 07 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2014 - 2015. Toàn xã có 1.972 hộ gia đình với 8.643 khẩu, gồm 4 dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ, (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 51,5%) cùng chung sống từ lâu đời. Tuy nhiên tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo tính đến năm 2014 vẫn còn khá cao 42,4 % (hộ nghèo: 20,9%).

Trong năm 2015, nguồn vốn được Trung ương hỗ trợ cho xã Mậu Lâm hơn 4 tỷ đồng. Trong đó về đầu tư phát triển sản xuất 550 triệu đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng thôn đặc biệt khó khăn 3,07 tỷ đồng đầu tư nâng cấp 2 công trình đường giao thông nông thôn, 2 công trình kiên cố hoá kênh mương, xây mới 4 công trình nhà văn hoá thôn và sửa chữa nâng cấp 2 công trình; Duy tu sửa chữa các công trình 292 triệu đồng, đầu tư sửa chữa nhà điều trị trạm y tế xã Mậu Lâm, sửa chữa nhà hiệu bộ trường tiểu học Mậu Lâm 1, cải tạo 2 phòng thư viện thiết bị trường Tiểu học Mậu Lâm 2.

Theo Quyết định phân bổ vốn đầu tư Chương trình 135, xã Mậu Lâm được giao làm chủ đầu tư đối với các công trình thực hiện trên địa bàn xã. Việc triển khai thực hiện Chương trình 135 được cấp ủy, chính quyền thực hiện theo nguyên tắc dân chủ công khai và tăng cường sự tham gia của người dân.

Việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất có sự tham gia bàn bạc của người dân từ bước lập kế hoạch, lựa chọn hạng mục đầu tư đến giám sát chất lượng thi công, nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng đã phát huy hiệu quả thiết thực. Ngoài ra ý kiến đóng góp của nhân dân còn góp phần quan trọng trong việc lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng nhân dân, nâng cao ý thức của người dân trong quá trình sử dụng, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ, đầu tư.

Hầu hết các công trình thuộc dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đều được UBND xã thành lập Ban giám sát cộng đồng. Sau khi công trình hoàn thành, tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và có sự chứng kiến của đại diện người dân ở địa phương. Do phần lớn xã đều làm chủ đầu tư nên các nhà thầu thi công thường là người dân tại địa phương, vi vậy số lao động là người tại chỗ tham gia thi công các công trình chiếm số lượng khá nhiều, từ đó thực hiện nguyên tắc xã có công trình, dân có việc làm tăng thêm thu nhập.

Chương trình 135 là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo với quyết tâm cao đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các thôn đặc biệt khó khăn của xã Mậu Lâm, giải quyết các yêu cầu bức xúc của nhân dân về sản xuất, đi lại, điện, nước, học hành, chăm sóc sức khoẻ... nên được nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ. Các dự án đã đầu tư đúng đối tượng, không thất thoát, phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; đời sống nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện nâng cao, góp phần giảm nghèo, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân ở các thôn đặc biệt khó khăn của xã Mậu Lâm nói riêng và các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên cả nước nói chung.

 In bài viết
Văn bản điều hành