Miền Đông nam bộ nỗ lực giảm nghèo từ nguồn vốn Chương trình 135
Chương trình 135 giai đoạn II được thực hiện trên cơ sở phát huy những kết quả của giai đoạn I, với sự điều chỉnh, bổ sung nội dung đầu tư và cơ chế thực hiện. Từ những nét mới mang tính thực tế, mục tiêu của chương trình chủ yếu tập trung vào đẩy mạnh giảm nghèo ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo một nguồn lực mới cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, miền Đông Nam bộ, nơi cộng cư của nhiều dân tộc thiểu số, cũng đã gặt hái nhiều thành tựu từ chương trình này...
Chàm Ló vượt khó làm giàu
15 năm trước, cuộc sống gia đình Chàm Ló (65 tuổi) ở ấp Tân Trung A, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh luôn phải đối mặt với chuyện thiếu ăn từng bữa. Năm 1992, được vay 2 triệu đồng từ nguồn quỹ quốc gia về “xóa đói giảm nghèo”, ông đã mua một con bò cái sinh sản về nuôi. Lúc đó, ấp Tân Hưng A còn là khu vực dân cư thưa thớt, đồng cỏ rộng nên việc chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi. Đến năm 2000, đàn bò của Chàm Ló đã có gần 30 con. Ông bán bò con lấy tiền mua 4 ha đất rẫy và xây lại ngôi nhà cho khang trang.
Sau đó, vợ chồng Chàm Ló quyết định không nuôi bò mà tập trung vào phục hóa diện tích đất vừa mới mua để trồng mì. Mỗi năm, từ diện tích mì này đã đem về cho Chàm Ló hàng chục triệu đồng lợi nhuận. Rồi ông bắt đầu mở rộng sản xuất, công việc làm ăn ngày một phất lên. Đến nay, Chàm Ló đã có hơn 9 ha đất sản xuất.Những năm gần đây, giá mì không ổn định, ông chuyển 3 ha đất sang trồng cây cao su và 1,5 ha đất để trồng mãng cầu.
Nếu tính tổng thu nhập các khoản, trừ chi phí, sinh hoạt, mỗi năm gia đình Chàm Ló tích lũy được hơn 130 triệu đồng. Kinh tế gia đình ngày càng khá giả, ông rất quan tâm chuyện học hành của con cái, sắm sửa vật dụng và những tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. “Nhờ làm ăn cần cù mình mới xây được cái nhà mới, trở thành hộ khá của xã đấy...” - Chàm Ló tự hào nói.
Chàm Ló không giấu bí quyết làm ăn. Ông thường xuyên trao đổi kinh nghiệm tích lũy được từ những hộ dân khác với mong muốn ai cũng có cuộc sống khấm khá. Chàm Ló còn là một cán bộ tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Nhiều năm liền ông được tín nhiệm bầu vào Ban Quản lý ấp Tân Trung A. Ông cũng là thành viên của ủy ban Mặt trân Tổ quốc huyện Tân Châu và ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh liên tục trong 4 nhiệm kỳ.
Chàm Ló cũng là hạt nhân đoàn kết trong xóm ấp. Ông thường xuyên vận động bà con dân tộc Chăm trong ấp, trong xã cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Năm năm liền, Chàm Ló được chọn là gia đình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh mới đây được chọn là điển hình trong phong trào nông dân dân tộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Hội Nông dân Tây Ninh phát động.
Câu chuyện từ Bù Đăng
Khi thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh Bình Phước đã xác định, phải tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân. Đây được xem là vấn đề chủ chốt, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Theo đó, một phần kinh phí từ dự án hỗ trợ sản xuất sẽ dành để mua máy phun xịt điều cho bà con. Cứ trung bình khoảng 30 hộ được nhận 1 máy. Chính quyền phân công người cụ thể bảo quản, hướng dẫn sử dụng.
ở thôn Bù Xa, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, anh Điểu Thiết - người dân tộc Stiêng - được phân công bảo quản và hướng dẫn sử dụng máy phun xịt bông điều. Từ khi có chiếc máy này, 30 hộ dân trong thôn đã chấm dứt việc phun bằng tay vừa vất vả lại vừa không bảo đảm. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bông điều thường bị sâu, năng suất giảm. Điểu Thiết kể thêm: “Vì cây điều thì cao, phun bằng tay cũng chỉ đưa thuốc đến nửa cây, phần trên ngọn không phun tới, nên sâu bệnh vẫn còn. Kể từ khi được hỗ trợ máy phun xịt, năng suất điều tăng khoảng 20%”.
Ông Điểu Huế, Trưởng thôn Bù Xa, nói thêm: “Thôn này có tới 80% là bà con người Stiêng. Cây điều là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo, nhưng vẫn còn tới 30% hộ đói nghèo trước đây trồng điều năng suất kém. Nhờ các thiết bị máy móc của Chương trình hỗ trợ, năng suất điều tăng lên. Có máy phun, bà con giảm chi phí thuê mướn nhân công chăm sóc 3.000 ha điều trong xã”.
Cùng với máy phun điều, các cấp, ngành chức năng của huyện Bù Đăng cũng đầu tư thêm phân bón, hướng dẫn khoa học kỹ thuật. Người dân Stiêng đã biết sử dụng phân bón theo từng chu kỳ của cây điều.
Thay đổi tư duy về sản xuất của người dân nghèo ở đây cũng chính là thay đổi tình trạng đói nghèo xuất phát từ tư liệu sản xuất còn thiếu và yếu, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp. Ông Nguyễn Quang Cư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, nói: “Tận dụng tất cả các chương trình đầu tư của Nhà nước để giúp bà con xóa đói giảm nghèo là mục tiêu hàng đầu mà chúng tôi làm. Hiện nay, nhu cầu về sử dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất rất cần, trong khi trình độ bà con lại chưa cao nên đây cũng là bài toán mà chúng tôi phải giải quyết. Tuy nhiên, với bà con dân tộc thì kiên trì trong hướng dẫn kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt”.
“Già làng thứ 2” Điểu Kem
ở tuổi 47, dù chưa hề biết đến trường lớp, nhưng Điểu Kem (ấp Bù Ka 2, xã Long Hà, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) được xem như một người Stiêng thành đạt. Vùng quê của anh xưa kia toàn là rừng lồ ô, bà con chỉ độc canh lúa khô, anh đã động viên bạn bè trong làng bỏ lối sống du canh, du cư quyết tâm đầu tư canh tác ổn định với hơn 5 ha lúa và điều. Cũng thời gian đó, anh được bầu làm Bí thư chi đoàn của ấp. Từ mô hình của anh và bạn bè, bà con trong sóc cũng nhận ra rằng, lợi nhuận kinh tế từ cây điều cao gấp 10 lần so với cây lúa. Nhiều người đã làm theo cách của anh. Điểu Kem tâm sự: “Lối sống du canh du cư chỉ làm cuộc sống đói khổ hơn mà thôi. Trong khi đó, định cư ở đây được Đảng và Nhà nước hỗ trợ mọi thứ, không còn phải phá rừng, đốt rừng nữa”.
Ngoài ra, anh còn nuôi một đàn bò luôn được duy trì tới hơn 20 con. Cũng có những lúc chuyện làm ăn gặp khó khăn do điều bị sâu bệnh, song anh không nản lòng và cố tìm hiểu, học hỏi khoa học kỹ thuật để chăm sóc vườn điều, đàn bò. Anh kể: “Thời đó, tụi tôi chưa vay vốn ngân hàng, muốn phát triển gì phải tự cung tự cấp. Đến cả hạt giống, con giống cũng vậy. Nhiều lúc thất bại cũng nản, phải tiếp tục làm lại, không có sẵn vốn thì làm gì cũng phải tính toán cho kỹ”. Thời gian sau, anh quyết định chuyển sang đầu tư cây cao su. Tích tụ được ít vốn, anh mua thêm đất. Đến nay, anh đã có 17 ha cao su, trong đó 7 ha đang ở tuổi cho mủ sung sức, 12 ha 4 năm tuổi, hàng năm cho thu nhập hơn 600 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 nhân công.
Hiện nay là trưởng thôn, anh luôn suy nghĩ làm sao để dân làng không còn nghèo đói. Anh đem kinh nghiệm và vốn liếng của mình giúp đỡ cây, con giống cho người nghèo. “Tôi không muốn giúp tiền mặt cho bà con, vì làm vậy thì không khác gì mình chỉ cho con cá mà không cho họ cần câu” - Điểu Kem nói. Giờ đây anh được dân làng tôn trọng, yêu mến, xem anh như một già làng thứ hai. Anh Điểu Hoàng, người dân trong làng nói: “Ông Điểu Kem là tấm gương cho dân làng. Ông ấy biết làm ăn và giúp đỡ mọi người rất nhiệt tình”.
Trọng Thanh