Mô hình thôn, bản bước đầu thành công

Sau gần 3 năm triển khai xây dựng NTM cấp thôn, bản, đến thời điểm này tỉnh Thanh Hóa đã có thôn Tôm, xã Ban Công (Bá Thước) và bản Sáng, xã Quang Chiểu (Mường Lát) đạt chuẩn NTM.

128 thôn, bản làm điểm

Muốn hoàn thành 19 tiêu chí ở xã miền núi đòi hỏi phải huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nguồn lực đầu tư rất lớn và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Với phương châm xây dựng NTM bền vững, năm 2012 tỉnh Thanh Hóa lựa chọn 128 thôn, bản thuộc các huyện miền núi để chỉ đạo điểm.

Mô hình đầu tiên được triển khai là thôn Tôm, xã Ban Công. Đây là thôn vùng cao thuộc diện Chương trình 30a của huyện Bá Thước; 100% dân số ở đây là đồng bào dân tộc Thái, sinh sống hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp (SXNN).

Thời điểm này, SXNN ở bản Tôm đang manh mún, lạc hậu, đồng bào chủ yếu trồng lúa nước nhưng năng suất đạt thấp (40-50 tạ/ha); tổng đàn trâu bò 46 con; đàn lợn 45 con và gia cầm 550 con; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm hơn 90%; tỷ lệ hộ nghèo 14% (2012)...

Xuất phát điểm thấp, nhận thức của đồng bào về Chương trình NTM gần như con số 0, nhưng với phương châm “dễ làm trước khó làm sau”, ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp đã phân công các thành viên thường trực “cầm tay chỉ việc” cho từng người, vận động bà con tham gia hiến đất, làm hàng rào, chỉnh trang vườn hộ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác.

Theo quy định, Chương trình xây dựng NTM phải hoàn thành 19 tiêu chí, nhưng do đặc thù riêng nên thôn Tôm chỉ thực hiện 15/19 tiêu chí. Thông qua nguồn lực kích cầu 90 tấn xi măng của huyện Bá Thước và Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh; người dân trong bản hiến hơn 1.200m2 đất, góp 1.650 ngày công, vật liệu và tiền mặt trị giá gần 350 triệu đồng, thôn Tôm đã bê tông hóa 1,9km đường nội bản; 200m đường trục chính nội đồng; xây mới 2 cổng chào; xây dựng thành công mô hình cấy lúa tiến bộ SRI kết hợp bón phân viên nén dúi sâu trên giống lúa lai thâm canh với quy mô 4ha; hình thành, phát triển hàng chục mô hình chăn nuôi tổng hợp như cá, gà thả vườn, vịt Cổ Lũng, lợn Móng Cái.

Đồng thời, khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch sinh thái. Hiện bản không còn nhà tạm, dột nát; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng/người/năm. Và chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo (2%).

Sau thôn Tôm, tháng 9/2014 bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát cũng được công nhận đạt chuẩn NTM. Cụ Hà Văn Thức, người dân bản Sáng phấn khởi nói: Trước đây, tôi nuôi bò dưới nhà nhưng sau khi cán bộ đến vận động, tôi đã làm chuồng trại để chăn nuôi riêng biệt rồi. Bây giờ môi trường ở bản Sáng sạch sẽ, trong lành lắm.

Được biết, sau một năm tổ chức thực hiện với tổng nguồn lực huy động hơn 5 tỷ đồng, bản Sáng đã hoàn thành 14/19 tiêu chí; hỗ trợ phát triển SX, chăn nuôi cho gần 60 hộ gia đình, trong đó có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi vịt, gà giống, nuôi bò sinh sản, trồng dưa hấu; đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 25 lao động nữ... góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 12,5 triệu đồng/năm (2012) lên 21 triệu đồng (năm 2014); không còn hộ nghèo và chỉ còn 1 hộ cận nghèo.

Chưa đồng đều

Ông Lê Duy Văn, Phó văn phòng Điều phối Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, cho hay, tính đến thời điểm này bình quân mỗi thôn, bản đạt 8,5 tiêu chí; có 29 thôn, bản đạt 14 tiêu chí. Riêng 18 thôn huyện Thọ Xuân đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2014 hiện đã đạt bình quân 12,2 tiêu chí/thôn.

“Chúng tôi muốn chuyển xây dựng NTM từ chiều rộng sang chiều sâu nên việc lựa chọn thôn, bản làm NTM là đúng đắn. Tuy nhiên, kết quả ở đa số các địa phương đạt được đang còn thấp, chưa đồng đều ở các vùng”, ông Văn nhấn mạnh.

Năm 2014, Thanh Hóa hỗ trợ hơn 93,4 tỷ đồng cho 267 xã mua xi măng làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và nhà văn hóa thôn, với mức 350 triệu đồng/xã; hỗ trợ hơn 248 tỷ đồng nâng cấp, làm mới 109 công trình/107 xã. Riêng 11 huyện miền núi có 45 công trình/42 xã thuộc huyện 30a cũng được hỗ trợ.

Theo ông Văn, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không đồng đều là do cách làm mới trong khi chính sách hỗ trợ thôn, bản chưa được tỉnh thông qua. Đặc biệt, các xã thuộc 7 huyện nghèo chưa được hỗ trợ xi măng; việc xây dựng kế hoạch thực hiện ở các thôn, bản còn lúng túng, thụ động, ngại khó khi tuyên truyền, vận động và huy động nguồn lực từ người dân.

Còn ông Lê Văn Thi, trưởng thôn Vân Thanh, xã Hải Vân (huyện Như Thanh) thì cho rằng, có 3 khó khăn chính mà cấp thôn, bản đang gặp phải. Trước hết là mặt bằng chung đời sống người dân hầu hết đang khó khăn, nhận thức không đồng đều dẫn đến huy động nguồn lực hạn chế.

Thứ hai, khi thực hiện tích tụ ruộng đất, phát triển SX nâng cao thu nhập cho người dân thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm nên người dân chưa mặn mà. Ngoài ra, số lượng thôn, bản có nghề phụ đang ít nên chưa giải quyết được lao động dư thừa.

“Theo tôi, cấp thôn, bản muốn làm thành công Chương trình NTM thì phải dựa vào lợi thế của từng địa phương, huy động sức dân dàn trải để phù hợp đều kiện hoàn cảnh từng gia đình. Bên cạnh đó, các đoàn thể từ xã đến thôn, bản phải thực sự nhiệt tình, tâm huyết thì mới đạt chuẩn bền vững được”, ông Thi nói.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, 11 huyện miền núi Thanh Hóa phấn đấu có ít nhất 1 - 2 bản/huyện, mỗi xã miền xuôi có từ 1 thôn trở lên đạt chuẩn NTM. Năm 2015, có 41 xã đạt chuẩn; các xã trong danh sách phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí năm 2016 mỗi xã tăng bình quân 3 tiêu chí trở lên; các xã còn lại tăng 1 - 2 tiêu chí...

 In bài viết
Văn bản điều hành