Một số định hướng về giảm nghèo bền vững cho 19 xã ở Đắk Lắk

Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, giai đoạn 2006-2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,55% xuống còn 7,45%; hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 20,82% năm 2010 xuống còn 14,67% năm 2012; nhìn chung, các chính sách giảm nghèo đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống, vật chất và tinh thần của người nghèo, người dân tộc thiểu số (DTTS), củng cố và tăng cường đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn 14,67%, trong đó có 19 xã trên địa bàn 8 huyện có tỷ lệ hộ nghèo là 50,30%, chủ yếu là các xã ở vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào DTTS.

Nguyên nhân chủ yếu là hầu hết các xã đều cách xa trung tâm huyện, hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, đường giao thông xuống cấp, đất đai cằn cỗi, bạc màu, thường xuyên bị ảnh hưởng thời tiết hạn hán, lũ lụt; hệ thống kênh mương thủy lợi chưa đáp ứng được nguồn nước phục vụ sản xuất, trong khi đó, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác có liên quan và ảnh hưởng nhiều đến kết quả giảm nghèo, do qui mô hộ gia đình lớn, sinh nhiều con, trình độ dân trí thấp, còn tập tục, tập quán lạc hậu, kế hoạch làm ăn và chi tiêu trong gia đình không hợp lý, còn nhiều hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý chí làm ăn vươn lên thoát nghèo; một số nơi công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giảm nghèo của cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quyết liệt, sâu sát; năng lực, trình độ của một số cán bộ cấp cơ sở, thôn, buôn còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức quản lý và kỹ năng tổ chức thực hiện, chưa chủ động sáng tạo.

Với mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; thu hẹp khoảng cách chênh lệch về đời sống, thu nhập giữa các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao với bình quân chung trong tỉnh, giữa các dân tộc và các nhóm dân cư trên địa bàn. Cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 4% đến 5%, đến cuối năm 2015 không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Tập trung cải thiện điều kiện sống của người nghèo, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hoá, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã và các thôn, buôn theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu, nhất là thủy lợi.

Để giảm nghèo nhanh, bền vững tại 19 xã nói trên, trước mắt Đắc Lắc tập trung vào công tác hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi sản xuất thông qua việc tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm từ 10-15%, tập trung vào các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm... Hàng năm giải quyết cho khoảng 7.400 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn khoảng 111.000 triệu đồng. Đến năm 2015 tất cả các hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện đều được hỗ trợ vay vốn để sản xuất, làm ăn tăng thu nhập. Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn dạy nghề với tự tạo việc làm tăng năng suất lao động... Đặc biệt, Đắc Lắc sẽ chú trọng hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo tham gia xuất khẩu lao động, tìm kiếm việc làm trong và ngoài tỉnh thông qua các hình thức tư vấn và giới thiệu tìm việc làm, tuyên truyền và hỗ trợ vay vốn. Phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 170 người nghèo được hỗ trợ tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo, với các hình thức san sẻ, sang nhượng, giao khoán rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu để tăng diện tích đất canh tác... trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ, huy động gia đình đóng góp, anh em, cộng đồng giúp đỡ, tạo điều kiện cho người nghèo có tư liệu sản xuất để giảm nghèo bền vững. Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo phù hợp cho hộ nghèo và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, về lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, liên kết giữa người nghèo với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ chi phí sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung cấp dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng trên diện tích sẵn có để tăng năng suất và hiệu quả sản xuất...

Tiếp đó, tập trung các chính sách hỗ trợ về xã hội, trong đó thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí theo quy định cho 100% người nghèo, cận nghèo và người DTTS; bình quân hàng năm có khoảng 47.900 lượt người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT và khi ốm đau được hỗ trợ KCB ở các cơ sở y tế theo quy định. Hỗ trợ Giáo dục – Đào tạo cho học sinh, sinh viên, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ kịp thời; ưu tiên đầu tư cơ sở trường, lớp, đảm bảo đầy đủ phòng học và các thiết bị cho học sinh học tập. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo quy định để ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững; các địa phương tích cực huy động nguồn lực của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ... để hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở tại địa bàn các xã.

Bên cạnh đó, Đắc Lắc cũng chú trọng trợ giúp về pháp lý, hỗ trợ về hưởng thụ văn hóa – thông tin đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận với dịch vụ công, tiến tới giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện có hiệu quả những định hướng này, Đắc Lắc đã có những nhóm giải pháp, cụ thể là, tiếp tục thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... bằng các nguồn vốn các chương trình mục tiêu và các chương trình khác; ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và huy động người dân, cộng đồng tham gia đóng góp, ủng hộ. Trong đó cần ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương để chuyển đổi lúa 01 vụ thành 2-3 vụ vì hầu hết diện tích canh tác của các xã đều thiếu nước sản xuất.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, thông qua việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân, cải tạo vườn tạp, đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại chỗ; tăng cường công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động, nhất là thanh niên, hộ thiếu đất sản xuất, gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; kể cả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay đối với hộ nghèo để phát triển sản xuất gắn với hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề; cho vay xuất khẩu lao động; nâng mức và thời gian cho vay phù hợp với tình hình thực tế.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giới thiệu và tuyên truyền những tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng để người nghèo học hỏi, tiếp tục tổ chức đối thoại trực tiếp ở quy mô cấp xã giữa người nghèo với các ngành chức năng của huyện, xã nhằm giúp cho người nghèo nắm bắt được các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, cũng như xác định rõ trách nhiệm, nâng cao ý thức nỗ lực vươn lên, làm ăn hiệu quả, thoát nghèo bền vững; chống tư tưởng mặc cảm, tự ti, ỷ lại, trông chờ của các hộ nghèo. Đồng thời, qua đó xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể trong việc chỉ đạo, giúp đỡ hộ nghèo tiếp cận với các chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển sản xuất, làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Tăng cường hơn nữa công tác kế hoạch hóa gia đình, các cộng tác viên dân số cần phối hợp với già làng, trưởng buôn thường xuyên, tuyên truyền vận động, phân tích cho họ thấy sự khó khăn, vất vả khi sinh nhiều con. Quan tâm bố trí cán bộ giảm nghèo cấp xã, cán bộ thôn, buôn, đội ngũ cộng tác viên có đủ năng lực, tâm huyết và kinh nghiệm.

Bên cạnh nguồn vốn chương trình mục tiêu giảm nghèo, Đắc Lắc sẽ thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, bao gồm chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, kiên cố hóa kênh mương, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Huy động nhiều nguồn lực cho công tác xóa đói, giảm nghèo, từ các tổ chức, cộng đồng trong và ngoài nước với mục tiêu chung nâng cao đời sống của người dân, từng bước giảm nghèo bền vững nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

 In bài viết
Văn bản điều hành