Mù Cang Chải với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững
Là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, có 13/14 xã là xã đặc biệt khó khăn nên Mù Cang Chải (Yên Bái) nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Nhờ vậy cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Mù Cang Chải hứa hẹn sẽ tươi sáng hơn.
Vô vàn khó khăn
Khao Mang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, trong đó đồng bào Mông chiếm 95%. Ông Quý A Vàng, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, do địa hình đồi núi bị chia cắt, thời tiết diễn biến bất thường nên khu vực này thường xảy ra các trận lũ lớn, đặc biệt là lũ ống, lũ quét. Bởi thế mà mùa mưa, hầu hết các thôn, bản trong xã đều bị chia cắt, việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2008, số hộ nghèo của Khao Mang vẫn chiếm tới 48%.
Tuy nhiên, so với những xã khác như Chế Tạo, Nậm Có, Cao Phạ... Khao Mang vẫn may mắn hơn nhiều. Theo thống kê của UBND huyện Mù Cang Chải, năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo tại Chế Tạo là 51%, Nậm Có 60%, Cao Phạ 71%, La Pán Tẩn 70%... Trong đó, Chế Tạo là xã xa nhất của tỉnh Yên Bái. Ông Sùng A Chua, Chủ tịch UBND xã than thở: “Với 125ha ruộng bậc thang cấy lúa 1 vụ và hơn 100ha lúa nương, ngô, sắn... vấn đề an ninh lương thực luôn bức thiết đối với chúng tôi. Hầu như năm nào cũng có gia đình thiếu đói phải cứu trợ”.
Theo ông Nguyễn Khắc Long, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, sở dĩ tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện còn chậm là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất canh tác ít; trình độ nhận thức của người dân không cao; hệ thống cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đặc biệt là hệ thống giao thông và công trình thủy lợi...
Năm 2015 giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống 19%
Chúng tôi đến nhà ông Vàng A Sàng, người giàu nhất Khao Mang với đàn trâu, bò hơn 30 con. Ông Sàng cho biết: “Trước đây, do không nắm vững kỹ thuật, tôi thường mang trâu, bò sang tận huyện Than Uyên (Lai Châu) để thả. Thi thoảng lại sang thăm nom. Từ khi được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn, tôi đã trồng cỏ cho trâu, bò ăn và áp dụng phương pháp nuôi nhốt”.
Nhận thấy khả năng lợi thế của mô hình chăn nuôi đại gia súc, UBND xã Khao Mang đã mạnh dạn hướng dẫn người dân nuôi bò tập trung. Vì thế, trong 6 tháng đầu năm 2009, đàn trâu của xã đã tăng 75 con so với cùng kỳ năm 2008; đàn bò 441 con, tăng 30 con.
Cùng với việc phát triển kinh tế, Khao Mang còn chú trọng thực hiện tốt công tác xã hội. ông Vàng cho biết: “Sáu tháng đầu năm 2009, xã đã hỗ trợ 13.980kg gạo cho các hộ nghèo, cho nhân dân vay hơn 7.000kg thóc. Ngoài ra, còn hỗ trợ 6,21 triệu đồng mua dầu hỏa cho 100 hộ dân không có điện thắp sáng...”.
Còn ở xã Chế Tạo, nhờ Chương trình 135, Nghị quyết 30a mà hệ thống đường giao thông được mở rộng, hàng hoá, phân bón, vật liệu xây dựng... được chở đến từng bản, làng. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng với nguồn vốn lớn đang được triển khai mạnh. Trường học, trạm y tế, hệ thống thuỷ lợi... đang dần kiên cố.
Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 19%, đưa Mù Cang Chải ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, ông Long nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020 là hết sức cần thiết. Đây sẽ là chương trình có tính đột phá trong việc huy động nguồn lực, nhất là khai thác nội lực của huyện để tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Hoàng Diệp
(Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)
[TT: H.T.N]